Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Từng bước đưa hoạt động nuôi cá lồng bè vào khuôn khổ

10:56, 03/09/2020

Với lợi thế về địa hình, nguồn nước, khí hậu... huyện Krông Ana có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ngành sản xuất này hiện vẫn đang phát triển tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, về lâu dài cần có sự quản lý để hoạt động này đi vào khuôn khổ.

Huyện Krông Ana có hệ thống đường sông lớn, hằng năm, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện khoảng 340 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn, cùng với đó là sản lượng khai thác đạt khoảng 600 tấn. Nghề này đã và đang góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Song theo đánh giá của cơ quan chuyên môn địa phương, nghề nuôi trồng thủy sản tại huyện chưa phát triển nhiều về số lượng và chất lượng, quy mô chưa xứng với tiềm năng, lợi thế.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, mô hình nuôi cá lồng bè phát triển từ năm 2015 đến nay, tập trung chủ yếu tại thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Na. Hiện tại toàn huyện có 13 hộ đang nuôi cá lồng bè, với 211 lồng bè, tổng diện tích là 15.200 m2. Cụ thể, khu vực sông Krông Nô chảy qua thị trấn Buôn Trấp có 12 hộ, nuôi 161 lồng, với diện tích 11.600 m2, sản lượng bình quân mỗi năm 1.100 tấn; khu vực sông Krông Ana chảy qua thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na có 1 hộ nuôi 50 lồng, với diện tích 3.600 m2, sản lượng bình quân 432 tấn/năm.

Đánh bắt cá nuôi lồng bè trên sông của hộ anh Ngô Văn Tráng.
Đánh bắt cá nuôi lồng bè trên sông của hộ anh Ngô Văn Tráng.


Hơn bốn năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè trên sông Krông Nô, chị Nguyễn Thị Liên (tổ dân phố Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp) chia sẻ, sông Krông Nô có lưu lượng nước lớn, chảy thường xuyên, môi trường nước cơ bản bảo đảm nên thuận lợi cho việc nuôi cá. Hiện tại, gia đình có 10 lồng nuôi với tổng diện tích khoảng 720 m2, chủ yếu nuôi cá diêu hồng, mỗi lứa cá nuôi bình quân từ 7 - 8 tháng là đạt trọng lượng từ 0,45 - 1,5 kg/con, thu về khoảng 8 - 14 tấn cá/lồng. Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ khác, nuôi cá lồng bè của gia đình chị Liên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế nên khó tránh khỏi rủi ro trong hoạt động sản xuất. Đơn cử như trong đợt lũ năm 2016, nguồn nước từ thượng nguồn đổ dồn về, nước sông đục ngầu khiến hầu hết cá nuôi bị ngộp, chết, gia đình chị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chưa kể, đầu ra cá cũng bấp bênh, đơn cử như cá diêu hồng khi cao điểm bỏ sỉ giá khoảng 40 nghìn đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm chỉ bán ra với giá rất rẻ nên may mắn là hòa vốn.

Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana Nguyễn Trần Ngọ cho biết, Phòng đã kiến nghị UBND huyện xem xét, chấp nhận chủ trương nuôi cá lồng bè cho các hộ dân. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ hướng dẫn các gia đình hoàn thiện những thủ tục: nuôi trồng thủy sản, thuê mặt nước, bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… từng bước đưa hoạt động nuôi cá lồng bè vào khuôn khổ, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm cá lồng bè trên địa bàn huyện. 

Bắt đầu nuôi cá từ tháng 8-2017 đến nay, anh Ngô Văn Tráng (buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) hiện có 8 lồng nuôi cá trên sông Krông Nô (đoạn qua thị trấn Buôn Trấp) cho biết, gia đình nuôi chủ yếu là cá diêu hồng, với tần suất hai năm ba lứa cá. Các lồng cá được nuôi xoay vòng để có cá xuất cho thương lái với khối lượng 12 - 20 tấn cá/tháng. Hơn 3 năm gắn bó với nghề nuôi cá trên sông, anh Tráng nhận thấy, nguồn nước tại lưu vực sông Krông Ana, sông Krông Nô luôn được lưu thông, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ô-xy cao… là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt. Song cũng khó tránh khỏi rủi ro, chẳng hạn như năm nay do thời tiết không thuận lợi nên cá chết tương đối nhiều, mặc dù giá cá diêu hồng đạt cao 32 nghìn - 42 nghìn đồng/kg, nhưng chi phí đầu vào từ con giống đến thức ăn chăn nuôi, nhân công đều cao khiến lợi nhuận thu về rất ít. Song nếu thực hiện tốt các khâu từ chọn giống, chăm sóc và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi có thể lãi trên dưới 35 triệu đồng/lồng đối với mẻ cá nuôi từ 7 - 8 tháng. Với điều kiện tự nhiên như hiện nay, chủng loại cá nuôi cũng có thể đa dạng hơn, ngoài cá diêu hồng còn nuôi được cá chép, rô phi, cá trê, cá lăng... Do đó gia đình vẫn đang tìm hiểu thủ tục liên quan để duy trì nghề nuôi cá lồng bè trong tương lai và có cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm cá lồng bè sông Krông Ana, sông Krông Nô đến thị trường ngoài tỉnh, nhất là cá lăng.

Khu vực nuôi cá lồng bè của hộ chị Nguyễn Thị Liên.
Khu vực nuôi cá lồng bè của hộ chị Nguyễn Thị Liên.

Ông Nguyễn Trần Ngọ, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana cho hay, đơn vị vừa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đoàn kiểm tra tình hình nuôi cá lồng bè trên địa bàn. Qua thực tế cho thấy, hiện nay người dân vẫn đang nuôi một cách tự phát, chưa xuất trình được giấy tờ, thủ tục liên quan khi kiểm tra. Cụ thể là chưa có thủ tục hành chính và thủ tục thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định. Các hộ dân đã cam kết giữ nguyên hiện trạng lồng bè nuôi cá và không cơi nới, mở rộng quy mô nuôi, tuân thủ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y và các quy định về giao thông đường thủy, an ninh trật tự xã hội trong hoạt động nuôi cá lồng bè.

Về định hướng phát triển nuôi cá lồng bè trong tương lai, ông Ngọ cho biết thêm, với diện tích mặt nước lớn và chiều dài khoảng 80 km đường sông, huyện Krông Ana có điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển nghề nuôi cá lồng bè so với thực trạng hiện nay. Tuy nhiên, việc sản xuất phải gắn với công tác bảo vệ môi trường nguồn nước, an toàn giao thông đường thủy, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, về lâu dài, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá đúng tiềm năng để có thể mở rộng, phát triển hoạt động nuôi cá lồng bè trên địa bàn.

Hoàng Tuyết – Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.