Huyện Krông Pắc: Hiệu ứng tích cực từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Sau hai năm tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Krông Pắc đã đạt được những kết quả tích cực khi nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương.
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của chương trình là tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Dựa trên những căn cứ này, huyện Krông Pắc đã xây dựng và triển khai lồng ghép nội dung Chương trình OCOP vào các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho hay, Krông Pắc có nhiều tiềm năng, lợi thế khi có điều kiện giao thông thuận lợi, phong trào sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh nên có nhiều sản phẩm mang tính chủ lực để xây dựng như cà phê, hồ tiêu, trà thảo mộc, tinh dầu sả... Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên việc thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu phát huy nội lực từ người sản xuất để họ tự gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình.
Du khách mua sản phẩm mắc ca của Hợp tác xã nông nghiệp Viet Farm tại Hội chợ xúc tiến thương mại, liên kết các hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. |
Được thành lập tháng 12-2018 từ nhóm 7 thành viên chế biến nông sản nhỏ lẻ, đến giữa tháng 8-2020 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Viet Farm (xã Hòa Đông) đã có ba sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Anh Trần Ngọc Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, hoạt động của HTX chủ yếu là thu mua, chế biến các loại nông sản, do đó việc xây dựng bộ quy chuẩn chất lượng sản phẩm được quan tâm thực hiện từ việc thu mua tại các hộ dân trên địa bàn huyện, trong đó lựa chọn sản phẩm có nhiều lợi thế nhất để đầu tư, phát triển.
Cụ thể, HTX đã tập trung phát triển hệ thống chế biến mắc ca từ vùng nguyên liệu mắc ca xen canh cà phê rộng 120 ha của người dân trên địa bàn; đầu tư hệ thống máy chế biến mắc ca gồm máy xát vỏ, máy phân loại hạt, máy tách nứt, máy sấy, máy hút chân không…
Đồng thời, mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm mắc ca trên các trang thương mại điện tử Sendo, Tiki, Shopee, trang fanpage trên Facebook; kênh phân phối tại siêu thị, chợ, Sân bay Buôn Ma Thuột, Sân bay Pleiku (tỉnh Gia Lai)… Để đẩy mạnh quảng bá cho sản phẩm, thời gian tới HTX tiếp tục phát triển, quảng bá bộ ba sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là mắc ca tách nứt, nhân mắc ca, tinh dầu mắc ca hạng 3 sao lên chứng nhận 5 sao trong chuỗi sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, HTX đang vận động người dân xây dựng vùng nguyên liệu sạch, bền vững theo hướng hữu cơ; khai thác hiệu quả kênh phân phối sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, phấn đấu đến năm 2022 tiêu thụ bình quân 500.000 sản phẩm/năm, tương ứng mức doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm; chuẩn hóa chất lượng sản phẩm bằng việc nâng cấp khu chế biến, kho bảo quản lạnh…
Khách quốc tế tìm hiểu Trà mãng cầu Nguyễn Văn tại Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế năm 2019 tại thành phố Jeonju, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc. |
Tương tự, sản phẩm Trà mãng cầu Nguyễn Văn của Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods (xã Ea Kly) mới đây cũng được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Chia sẻ về bước tiến mới này, anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc công ty cho hay, xưởng sản xuất của đơn vị chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018. Để đạt mục tiêu nói trên, công ty đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư bao bì, nhãn mác; tham gia các chương trình triển lãm OCOP trong nước; giới thiệu sản phẩm tới các siêu thị, hệ thống bán hàng của OCOP toàn quốc…
Từ sự kết nối, giao lưu đó, cơ sở đang siết chặt kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng cao, có tính liên kết với 10 hộ dân cung cấp nguyên liệu; hoàn thiện các thủ tục pháp lý về phân tích kiểm nghiệm mẫu, đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm; xây dựng nhà xưởng đảm bảo tiêu chuẩn khép kín một chiều trong sản xuất; hoàn thiện hệ thống kế toán, sổ theo dõi sản xuất chặt chẽ…
Thời gian tới, cơ sở tiếp tục nâng cấp vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ với diện tích 5 ha, nhà xưởng đạt chứng nhận ISO 22000, phân phối sản phẩm trên cả nước và hướng tới xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; tiếp tục tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ, kết nối cung cầu trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm…
Có thể nói, Chương trình OCOP đã và đang nâng tầm nông sản địa phương khi có được sự kết nối theo chuỗi hệ thống trên toàn quốc. Đi kèm theo đó là những tiêu chuẩn chất lượng, nhận diện thương hiệu buộc phải có như test mẫu chất lượng hằng năm, chứng nhận mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc…
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc phân tích, ưu điểm lớn nhất của Chương trình OCOP là thay đổi tư duy về sản xuất, kinh doanh cho người dân, nghĩa là phát huy nội lực bằng cách gắn trách nhiệm của người sản xuất đối với sản phẩm họ làm ra. Theo đó, sản phẩm tham gia chương trình phải đạt các yêu cầu về nguồn nguyên liệu, kho bảo quản, chế biến, kiểm soát chất lượng sản phẩm và nhận diện thương hiệu… Hội đồng phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh, quốc gia chấm điểm theo từng bậc thang và các sản phẩm tham gia chương trình sẽ được kết nối với hệ thống phân phối sản phẩm OCOP toàn quốc. Việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu vốn dĩ không quá khó nhưng xưa nay người sản xuất vẫn còn xem nhẹ, chưa chú ý thực hiện. Hiện tại, huyện đã có hai sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao.
Thời gian tới, huyện Krông Pắc tiếp tục lựa chọn những sản phẩm mang tính đặc trưng sẵn có để đầu tư, nâng tầm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cho người dân như bồ câu thảo dược tại xã Ea Kuăng, sầu riêng hữu cơ xã Ea Yông, Ea Knuếc, tinh dầu sả xã Ea Yiêng… |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc