Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

09:34, 25/09/2020

Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi là một trong những phong trào trọng tâm, xuyên suốt của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh.

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), phong trào đã tạo sức lan tỏa, cổ vũ mạnh mẽ hội viên, nông dân thi đua lao động, sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp đa dạng các loại cây trồng và phát triển bền vững.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Đình Thìn (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) với mô hình liên kết trồng mít cao sản trên tổng diện tích 11,7 ha, cho thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí; hộ ông nguyễn Tiến Dũng (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) trồng gần 5 ha cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và bơ cho thu nhập trên 2 tỷ đồng mỗi năm. Hay như hộ ông Phạm Tươi (phường An Lạc, TX. Buôn Hồ) hơn 10 năm gắn bó với nghề ươm và kinh doanh cây giống, với vườn ươm diện tích 2,5 ha gồm đủ loại cây giống từ sầu riêng, bơ, mít, dừa, điều, mắc ca… phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và cơ ngơi đầy đủ, khang trang.

Các thành viên trong HTX trái cây Tây Buôn Hồ trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Các thành viên trong HTX trái cây Tây Buôn Hồ trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên khác thông qua việc liên kết để cùng sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại, tập thể tạo ra lượng nông sản hàng hóa có chất lượng cao. Đơn cử như ông Bùi Thanh Huỳnh (phường An Bình, TX. Buôn Hồ) đã đứng ra liên kết các hộ dân trồng cây ăn trái trên địa bàn để thành lập Hợp tác xã (HTX) trái cây Tây Buôn Hồ. Cách đây khoảng 7 năm, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng trái cây ngày càng tăng, gia đình ông Huỳnh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê sang trồng bơ theo tiêu chuẩn VietGAP và sầu riêng. Thấy nhiều hộ khác cũng thực hiện việc chuyển đổi cây trồng nên giữa năm 2019, ông và 7 hộ dân đã đứng ra thành lập tổ hợp tác trái cây sạch, đến đầu năm 2020 tiến lên thành lập HTX. Nhờ liên kết, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các thành viên HTX được hỗ trợ tối đa; đặc biệt, chất lượng sản phẩm, giá trị hàng hóa được nâng lên nhiều hơn.

Theo kết quả tổng kết phong trào đến năm 2019, toàn tỉnh có 113.676  hộ nông dân SXKD giỏi được công nhận ở 4 cấp.

Ngoài ra, phong trào thi đua đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đa dạng có bao tiêu sản phẩm cho nông dân như: Mô hình lúa thương phẩm giống mới tại các huyện Ea Súp, Lắk và Krông Ana; mô hình bơ, xoài, rau củ quả các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Buôn Đôn, Ea Kar, Ea H’leo và Cư M’gar; trồng và chế biến tinh dầu các loại ở huyện Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Pắc… Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình phát triển chăn nuôi quy mô lớn đã góp phần hạ giá thành, cung cấp lượng hàng hóa đáng kể cho thị trường như HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Đại Phúc (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), HTX Dịch vụ tổng hợp và chăn nuôi heo rừng Ea Sar (huyện Ea Kar)…

Một nông dân trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển kinh tế từ mô hình nuôi nai.
Một nông dân trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển kinh tế từ mô hình nuôi nai.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, toàn tỉnh hiện có 222.037 hội viên sinh hoạt ở 2.478 chi hội, thuộc 184 cơ sở hội (chiếm tỷ lệ 74,8% so với tổng số hộ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh). Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, để thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, các cấp hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, phát động sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi đến mỗi hộ nông dân. Nhiều hộ nông dân không chỉ sản xuất giỏi, làm giàu cho gia đình mà còn nhiệt tình đóng góp vào các hoạt động xã hội, từ thiện của địa phương; giúp đỡ hội viên nguồn vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật để cùng vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn... Qua đó, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, xuất hiện nhiều những mô hình nông dân làm ăn giỏi, SXKD đạt hiệu quả, quy mô sản xuất, kinh doanh liên tục mở rộng theo hình thức hợp tác liên kết có tính thuyết phục cao, tác động lớn đến hoạt động trong mọi lĩnh vực, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.