Multimedia Đọc Báo in

Phát triển năng lượng tái tạo: Kỳ vọng lớn từ một nghị quyết

16:21, 01/09/2020

Ngày 15-7-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là "cú hích" lớn về cơ chế, tạo động lực phát triển năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Cụ thể, điện gió có thể đạt quy mô công suất 10.000 MW, tập trung tại khu vực phía Bắc của tỉnh với tốc độ gió đạt 6m/s trở lên; điện mặt trời (ĐMT) có thể khai thác với công suất 16.000 MWp, bức xạ trung bình đạt 4,7 – 5 kWWh/m2/ngày. Về điện sinh khối, với nguyên liệu dồi dào từ các phụ phế phẩm nông nghiệp, có thể sản xuất điện đạt công suất 120 MW.

Nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1 tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.
Nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1 tại xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn).

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định về phát triển NLTT. Cụ thể, hệ thống nhà máy thủy điện đã bổ sung cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện 3 - 3,5 tỷ kWh/năm. Bên cạnh đó, năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án ĐMT, công suất 190 MWp và 1 dự án điện gió công suất 28,8 MW đưa vào vận hành phát điện thương mại, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 300 triệu kWh. Trong năm nay, có 2 dự án ĐMT đang triển khai thi công, với công suất 740 MWp. Việc đầu tư xây dựng các dự án NLTT sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp vào nguồn ngân sách của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, ổn định cuộc sống người dân, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động về môi trường từ hoạt động sản xuất điện.

Tuy nhiên, phát triển NLTT tại địa phương vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: các dự án năng lượng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, sản lượng ĐMT chưa đạt 2%, điện gió chưa đạt 1% so với tiềm năng; công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng hiệu quả thấp; cơ sở hạ tầng năng lượng còn thiếu, một số dự án truyền tải điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Bên cạnh đó, việc thẩm định, bổ sung các dự án vào quy hoạch phát triển điện lực còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian triển khai dự án. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, vấn đề đặt ra là cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khai thác, phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thi công cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp.
Thi công cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp.

Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu, từ nay đến năm 2025, phấn đấu đưa các dự án điện gió, sinh khối, ĐMT vào vận hành, phát điện thương mại đạt công suất 2.000 – 3.000 MW; giai đoạn 2026 – 2030, công suất các nhà máy NLTT đạt 3.000 – 4.000 MW, chiếm 26,6% tổng nguồn NLTT quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và liên tục, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện.

Đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển NLTT. Về phát triển bền vững các nguồn NLTT, địa phương sẽ khai thác hiệu quả các nguồn thủy điện hiện có và xem xét kỹ lưỡng để bổ sung thêm các dự án vừa và nhỏ. Đối với điện gió, công suất năm 2025 đạt 1.000 MW, lưới điện truyền tải giải tỏa được công suất 1.500 MW. Về ĐMT, ưu tiên phát triển các dự án trên hồ thủy lợi, thủy điện, mái nhà và các khu vực đất đai cằn cỗi. Trong lĩnh vực điện sinh khối, khuyến khích xây dựng các nhà máy sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị và các loại sinh khối từ nông nghiệp.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.