Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm: Không thể lơ là, chủ quan

08:44, 28/09/2020

Sau một thời gian tạm lắng thì trong hơn một tháng qua, Đắk Lắk lại bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Mặc dù chỉ ở quy mô nhỏ, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch nếu chính quyền và người dân lơ là công tác phòng, chống dịch.

Các dịch bệnh nguy hiểm cùng lúc bùng phát

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ tháng 8-2020 đến nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh bùng phát nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm thường bùng phát vào mùa đông thì nay lại xảy ra sớm hơn so với mọi năm.

Ổ dịch xảy ra ở ba hộ chăn nuôi, thuộc hai thôn tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), với tổng số gia cầm mắc bệnh, buộc tiêu hủy 6.272 con, khiến thành phố phải công bố dịch trên toàn địa bàn. Mặc dù đến thời điểm này, TP. Buôn Ma Thuột đã công bố hết dịch cúm gia cầm nhưng nguy cơ bùng phát tiếp ổ dịch mới trên địa bàn tỉnh vẫn khó tránh khỏi. Vì hiện nay tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh rất lớn (hơn 12.500.000 con) nhưng tỷ lệ được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm thấp (chỉ đạt 20%), nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ nhỏ lẻ. Trong khi đó, kết quả chủ động lấy mẫu giám sát cho thấy, tỷ lệ lưu hành vi rút Cúm A/H5N1 và A/H5N6 là rất cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Thực hiện tiêm phòng cúm gia cầm tại xã Ea Hu (huyện Cư Kuin).
Thực hiện tiêm phòng cúm gia cầm tại xã Ea Hu (huyện Cư Kuin).

Cùng với đó, dịch tả heo châu Phi lại đang bùng phát ở nhiều địa phương, đặc biệt là huyện Cư M’gar. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Cư M’gar, dịch tả heo châu Phi đã tái phát tại ba xã gồm: Ea Tar, Quảng Tiến và Ea M'nang, với gần 100 con mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 2.700 kg. Nguyên nhân là do một số hộ chăn nuôi nhỏ đang đẩy mạnh tái đàn, heo chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái không rõ nguồn gốc. Các ổ dịch tái phát chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi không bảo đảm điều kiện và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học. Hiện huyện Cư M’gar có 14 trang trại chăn nuôi heo với hơn 7.000 con và có khoảng 37.200 con được các hộ gia đình chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 16-9-2020, trên địa bàn tỉnh, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 38 hộ, 32 thôn/buôn, 28 xã/phường, 13/15 huyện. Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy 848 con, với tổng khối lượng tiêu hủy 35.552 kg. Hiện còn 8 xã/phường/thị trấn thuộc 5/13 huyện có dịch bệnh chưa qua 21 ngày.

Ngoài ra, dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc cũng đã xảy ra tại 30 hộ, ở ba thôn/buôn (thôn 9, buôn Tul B, buôn Tul A) của xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), với 82 gia súc mắc bệnh (71 con bò và 11 con trâu), không có gia súc chết buộc tiêu hủy.

Không được lơ là, chủ quan

Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới là rất cao, nhất là dịch cúm gia cầm. Nguyên nhân là do đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo quy định; thời tiết bất lợi, mưa nhiều, độ ẩm cao nên tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, không áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi; ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số còn tập quán thả rông gia súc, chuồng trại chăn nuôi lầy lội; nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ trong các tháng cuối năm tăng cao và giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến… Đó là chưa kể, từ đầu năm 2020 đến nay trên phạm vi cả nước đã có tổng cộng 67 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 67 xã, 45 huyện của 24 tỉnh, thành phố; số ổ dịch tăng gấp hai lần, số gia cầm buộc tiêu hủy tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, có 10 ổ dịch cúm gia cầm phát sinh tại 9 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đơn vị đã phân bổ 400 lít hóa chất cho hai huyện Krông Búk (200 lít) và Cư M’gar (200 lít) để phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.

Hiện các địa phương cũng đang tăng cường triển khai những biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời các loại dịch bệnh, không để dịch lây lan ra diện rộng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến cáo người dân thận trọng trong việc lựa chọn con giống, phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn dịch bệnh khi tái đàn… Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã cấp đầy đủ hóa chất và vật tư để phục vụ công tác chống dịch theo nhu cầu đề xuất của các địa phương. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra các huyện xảy ra dịch như Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M'gar, TP. Buôn Ma Thuột để giám sát và đôn đốc công tác phòng, chống dịch.

Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi của hộ gia đình có đàn heo bị dịch tả heo châu Phi ở TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi của hộ gia đình có đàn heo bị dịch tả heo châu Phi ở TP. Buôn Ma Thuột.

Riêng với dịch cúm gia cầm, Chi cục yêu cầu các địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ những giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây lan diện rộng. Trong đó, đối với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm trước đó cần tập trung nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh tái phát; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu là 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng; hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tổ chức triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút cúm gia cầm, chủng A/H5N1 và A/H5N6…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.