Multimedia Đọc Báo in

Sản phẩm OCOP - nâng tầm kinh tế vùng nông thôn

08:28, 03/09/2020

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đang trở thành động lực để kích thích phát triển kinh tế nông thôn. Điều này cũng đang tạo sức bật lớn cho xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Khẳng định vị thế cho nông sản địa phương

Theo Sở NN-PTNT, thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP năm 2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP của tỉnh đã tiến hành chấm điểm đánh giá, phân hạng đợt I cho 12 sản phẩm của 6 huyện và thành phố (các huyện: Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Ana, Ea H'leo và TP. Buôn Ma Thuột). Kết quả đã chọn được 11 sản phẩm tiêu biểu, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Đây là những sản phẩm thế mạnh của các địa phương, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc.

Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn trưng bày sản phẩm tại Hội nghị đánh giá,  phân hạng sản phẩm OCOP.
Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn trưng bày sản phẩm tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao trong đợt xếp hạng đầu tiên của tỉnh. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc công ty chia sẻ, doanh nghiệp đã tham gia vào nhiều hệ thống chứng chỉ, nhưng riêng với OCOP là chương trình mang tính chính thống không những của tỉnh mà của cả quốc gia. Khi tham gia vào đánh giá Chứng nhận sản phẩm OCOP, công ty cũng muốn khẳng định lại giá trị của thương hiệu, ngoài ra có thể giao lưu, hợp tác sản xuất trong cộng đồng các sản phẩm OCOP nhằm tạo ra sản phẩm tốt hơn, có thị trường ổn định trong và nước ngoài.

Các dòng sản phẩm của công ty được chế biến từ nguyên liệu sạch, sản xuất theo Quy trình ISO 9001:2015 và ISO 22000:2005, được thị trường đánh giá cao, đặc biệt là những thị trường khó tính trên thế giới.

Là một trong số sản phẩm OCOP được gắn 3 sao, thương hiệu Tinh bột nghệ Kim Luyến (huyện Cư M'gar) thêm một lần nữa khẳng định chất lượng sản phẩm và củng cố thêm chỗ đứng trên thị trường. Bà Trần Thị Kim Luyến, chủ cơ sở Tinh bột nghệ Kim Luyến cho biết, nhận thấy được thị trường tiềm năng của mặt hàng tinh bột nghệ nên bà đã bắt tay thử nghiệm các loại tinh bột chất lượng cao. Đầu năm 2019, bà Luyến mạnh dạn đăng ký thương hiệu Tinh bột nghệ Kim Luyến và mở cơ sở sản xuất tinh bột nghệ để cung ứng ra thị trường. Với phương châm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe, mỗi khâu trong quá trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt, sử dụng máy móc hiện đại, không sử dụng chất nhân tạo. Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở đủ tiêu chuẩn để xuất đi thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore… Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng gần 2 tấn tinh bột nghệ vàng, nghệ trắng truyền thống. Lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho khoảng 7 lao động với mức lương mỗi tháng từ 5 - 6 triệu đồng/người. Hiện sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu, có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Đơn vị cũng đã mở thêm cơ sở 2 tại thôn 4, xã Ea Tar (huyện Cư M'gar).

Hướng đến tiêu chuẩn OCOP quốc gia

Chương trình OCOP được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện. Đồng thời, đưa việc xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Chính vì vậy, Đắk Lắk đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; công nhận/chứng nhận 1 - 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10 - 12 sản phẩm 3 - 4 sao cấp tỉnh; phấn đấu xây dựng 1 - 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Hiện tỉnh đã xếp hạng được 11 sản phẩm, các sản phẩm còn lại sẽ được tiếp tục đánh giá trong đợt II, năm 2020.

Khách tham quan tìm hiểu sản phẩm OCOP gà đen Hmông của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ  Đại Phúc (huyện Cư M'gar) được xếp hạng 3 sao .
Khách tham quan tìm hiểu sản phẩm OCOP gà đen Hmông của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Đại Phúc (huyện Cư M'gar) được xếp hạng 3 sao.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, việc phân loại, xếp hạng, gắn sao các sản phẩm OCOP là có ý nghĩa quan trọng trong khẳng định chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ ở các địa phương, góp phần gia tăng giá trị và có một thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững. Việc gắn sao và được cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm là minh chứng về chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái. Đây cũng là cơ hội để nâng tầm những sản phẩm đã có ở địa phương và nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chuẩn sao cấp quốc gia (5 sao), đòi hỏi chủ thể phải không ngừng nâng cao chất lượng, phát triển, xúc tiến thương mại sản phẩm, nhất là chú trọng thúc đẩy chuỗi giá trị, kết nối với năng lực, nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng. Riêng đối với sản phẩm 4 sao, để nâng cấp lên 5 sao, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ chủ thể hoàn thiện các điều kiện đáp ứng theo Bộ tiêu chí chấm điểm và phân hạng OCOP quốc gia.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.