Tìm cách phục hồi, phát triển du lịch Đắk Lắk
Đến nay, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai tạm lắng xuống, các ngành nghề kinh tế đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngành du lịch cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy, thậm chí phải tích cực và quyết tâm hơn để bảo đảm mức tăng trưởng như những năm trước đây.
Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) phát động vào cuối quý II năm 2020, nay đã được kích hoạt trở lại, thu hút các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Ngành du lịch Đắk Lắk không đứng ngoài cuộc mà chủ động phối hợp, triển khai việc kích cầu ngành kinh tế quan trọng này bằng nhiều biện pháp cụ thể và mạnh mẽ.
Theo ông Lê Minh Hảo, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Đắk Lắk, việc kích cầu được thực hiện đồng bộ. Bên trong thì các doanh nghiệp làm du lịch chia sẻ, hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc bảo đảm an toàn cho du khách; phân khúc lại thị trường này một cách hợp lý hơn, tránh tình trạng chồng chéo, lặp đi lặp lại khi cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch cho du khách; điều phối hợp lý và linh hoạt trong hoạt động đón - đưa du khách đến tour, tuyến tại địa bàn trên cơ sở thống nhất của cộng đồng làm du lịch, từ doanh nghiệp lữ hành (nội địa cũng như quốc tế), kinh doanh điểm đến, cơ sở lưu trú… cho tới dịch vụ, nhà hàng mua sắm, ăn uống và giải trí. Theo đó, các đơn vị làm du lịch ở đây cùng nhau tuân thủ nghiêm túc những biện pháp kích cầu như giảm giá nhưng không giảm chất lượng phục vụ và đính kèm nhiều chương trình ưu đãi khác, nhằm thu hút du khách đến Đắk Lắk.
Danh thắng thác Drai Dlông, huyện Cư M'gar thu hút du khách bởi nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Ảnh: Hữu Hùng |
Còn bên ngoài, cộng đồng làm du lịch trên địa bàn tỉnh sẵn sàng phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở VH-TT-DL) liên kết xúc tiến, quảng bá chương trình, sản phẩm của mình đến thị trường du lịch miền Trung - Tây Nguyên và khu vực đồng bằng Nam Bộ. Đến nay đã có khoảng 26 doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia liên minh kích cầu trên và cũng đã có ít nhất 3 cuộc quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Đắk Lắk được xúc tiến tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai.
Hiện Sở VH-TT-DL cùng cộng đồng làm du lịch đang triển khai và hoàn thiện “Clip chạm” phục vụ yêu cầu quảng bá, giới thiệu tour - tuyến, sản phẩm du lịch địa phương đến với du khách, giúp du khách dễ dàng lựa chọn điểm đến, gắn với sản phẩm du lịch tiêu biểu và đặc thù như: trải nghiệm với văn hóa voi; văn hóa cà phê; nhà dài và cồng chiêng; ẩm thực Tây Nguyên.
Khu du lịch Biệt điện Hồ Lắk, Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk tích cực tham gia Chương trình kích cầu để thu hút du khách trở lại. |
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột), yếu tố mới và tích cực trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch ở đây là sự phân công, thống nhất giữa các đơn vị làm du lịch (dù cùng hệ, hay khác hệ) đều hướng đến yêu cầu đặt ra là tránh chồng chéo, trùng lặp về mặt cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch cho du khách tại 21 điểm đến nhằm gia tăng giá trị, lợi nhuận cho từng doanh nghiệp cũng như toàn ngành; đồng thời qua đó nâng cao thời gian lưu trú của du khách khi đến du lịch Đắk Lắk.
Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Đam San
|
Có thể nói, vấn đề xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk trong bối cảnh “hậu Covid-19” là mối quan tâm hàng đầu nhằm ổn định lại thị trường đã có trước đây, thu hút du khách quay trở lại với nhiều điểm đến vốn đã định vị trên bản đồ du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Đam San, về vấn đề trên, Nhà nước cùng doanh nghiệp cần phải đầu tư, đổi mới nhiều hơn. Chẳng hạn như việc tham gia liên minh kích cầu, hay hội chợ du lịch ở các vùng miền trong nước - thay vì xúc tiến theo kiểu dựng một gian hàng lên rồi bày bán, giới thiệu tour, tuyến như trước đây thì nên tập trung khảo sát kỹ thị trường, sau đó tổ chức sự kiện (truyền thông) về du lịch của địa phương một cách bài bản, dài hạn và có chiều sâu hơn. Theo đó, Nhà nước kịp thời có cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp làm du lịch, củng cố, quy hoạch lại sản phẩm du lịch của mình phù hợp với những gì đã quảng bá, giới thiệu.
Ví như sản phẩm du lịch văn hóa voi; nhà dài - cồng chiêng… hiện đang được ngành du lịch Đắk Lắk xúc tiến quảng bá thông qua hình thức “Clip chạm” như đã nêu, thì cần phải có những bảo tàng, bộ sưu tập đầy đủ và phong phú để thỏa mãn nhu cầu du khách như một “cam kết” thật sự. Dĩ nhiên, để hiện thực hóa điều đó thì vai trò kiến tạo của Nhà nước là quan trọng nhất. Thêm nữa là mối hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp làm du lịch với nhau; giữa doanh nghiệp với cộng đồng và các cơ quan, ban ngành hữu trách.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc