Multimedia Đọc Báo in

"Ươm mầm" khởi nghiệp sáng tạo

08:28, 03/09/2020

Để thực hiện mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các startup, góp phần “ươm mầm” cho các dự án khởi nghiệp.

Xây dựng nền móng vững chắc

Có thể thấy, phong trào khởi nghiệp đã và đang được UBND tỉnh xúc tiến, cổ vũ mạnh mẽ trong thời gian qua. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai đồng loạt các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu thúc đẩy hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN). Điển hình nhất phải kể đến việc tổ chức các cuộc thi, ngày hội, hội thảo khởi nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Huỳnh Văn Tiến cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với Quỹ Khởi nghiệp DN khoa học công nghệ Việt Nam (SVF) trong đồng hành xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và ra mắt Công ty Cổ phần Vườn ươm doanh nghiệp Đắk Lắk (Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh – Dihub).

Chương trình Talk show trực tuyến “Tư duy thiết kế - ứng dụng trong thiết kế nhận diện thương hiệu các sản phẩm  địa phương” do Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh tổ chức.
Chương trình Talk show trực tuyến “Tư duy thiết kế - ứng dụng trong thiết kế nhận diện thương hiệu các sản phẩm địa phương” do Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh tổ chức.

Ra đời từ năm 2018 với sứ mệnh ươm tạo hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh và hỗ trợ startup một cách thiết thực từ bước khởi đầu, Dihub đã tư vấn, vận động các startup thành lập DN để thuận lợi trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Giám đốc điều hành Dihub Phan Thanh Tuấn chia sẻ, để hỗ trợ đầu tư cho các startup có dự án khả thi, Dihub đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk với Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM). Đồng thời hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tham gia các hoạt động kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm, làm cầu nối giúp các bạn trẻ khởi nghiệp tham dự các chương trình quốc gia.

 

“Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh xác định cần có bước đột phá, lộ trình phù hợp nhằm nâng cao năng lực từng cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Hoạt động ươm tạo hạt nhân khởi nghiệp cần được quan tâm, triển khai có hiệu quả để phát triển nhiều hơn nữa những doanh nghiệp khởi nghiệp có đủ năng lực, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước”.

 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Về quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đánh giá, thời gian qua, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh phát triển đúng định hướng, đồng thời phát huy được vai trò, năng lực của từng thành tố trong hệ sinh thái.

Từng bước nâng cấp

Để tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, đồng hành và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh (Cuộc thi) và Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2020 sẽ được tổ chức đồng thời vào trung tuần tháng 11 tới. Ông Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức và thể lệ Cuộc thi, các đơn vị đã chủ động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…; vận động đoàn viên, thanh niên, hội viên các hội đoàn thể, học sinh, sinh viên, quần chúng nhân dân hưởng ứng, tham gia. Ngoài ra, các đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức họp báo, phối hợp tổ chức ba chương trình nói chuyện về khởi nghiệp kết hợp với tuyên truyền về Cuộc thi; tổ chức tập huấn online để giải đáp thắc mắc cho các thí sinh và các đơn vị tham gia Cuộc thi. Đến nay, Cuộc thi đã nhận được hơn 60 ý tưởng, dự án dự thi. Hiện Ban tổ chức Cuộc thi đang xây dựng bộ tiêu chí chấm điểm và thành lập Hội đồng giám khảo vòng sơ khảo, tổ thư ký và đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh Phan Thanh Tuấn (thứ 2 từ phải sang)  trao chứng nhận hoạt động cho Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Krông Búk.
Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh Phan Thanh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) trao chứng nhận hoạt động cho Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Krông Búk.

Theo Giám đốc điều hành Dihub Phan Thanh Tuấn, để hỗ trợ cho các startup, Dihub đã phối hợp với các đơn vị tổ chức ba chương trình tư vấn, hỗ trợ trực tuyến tại Không gian khởi nghiệp chung của tỉnh và tập huấn cho các đối tượng tham gia Cuộc thi. Ngoài ra, Dihub còn trao chứng nhận thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Krông Búk và tặng tủ sách doanh nhân, quà hỗ trợ dành cho câu lạc bộ… Trong thời gian tới, Dihub sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, hoạt động để truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các startup, thanh niên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Song song đó là vận động thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp trong các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân… tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ phong trào khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, tiến tới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tận các huyện, thị xã, thành phố, kết nối và hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi sự kinh doanh thành công.

Từ đó góp phần đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các chủ thể hệ sinh thái, giới thiệu các dự án khởi nghiệp và lan tỏa tinh thần, văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển DN, nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp lên một bước mới.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.