Agribank với nỗ lực phục vụ tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn
Mới đây, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. Tại hội nghị, nhiều nông dân đã đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực ngân hàng; trong đó, điều đáng lưu ý là ngoài vấn đề về vốn cho sản xuất, nông dân đã quan tâm nhiều hơn đến dịch vụ ngân hàng tiện ích.
Cùng với sự tăng trưởng vốn tín dụng cho “tam nông” thì trong thời đại công nghệ số đã phát sinh nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng các dịch vụ ngân hàng tiện ích như E-Banking, Internet Banking, Mobilebanking... Cùng với đó, các phương tiện phục vụ cho nhu cầu thanh toán như ATM, POS, ví điện tử... cũng tăng theo.
Thực hiện Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 8-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, những năm gần đây, phát huy lợi thế về mạng lưới, con người và công nghệ, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã có những nỗ lực vượt bậc trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến khu vực nông thôn trong tỉnh.
Khách hàng xã Buôn Triết (huyện Lắk) giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank Đắk Lắk. |
Chị Trần Thị Thanh Tùng (thôn 8, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) là một trong những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ chuyển tiền trên Internet Banking, trên các ứng dụng Mobile Banking (SMS Banking, Agribank E-Mobie Banking, Bank Plus…) của Agribank Đắk Lắk. Chị Tùng cho biết, trước đây muốn chuyển tiền hay sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác đều phải đến quầy để giao dịch nên mất thời gian và chi phí đi lại. Từ khi sử dụng dịch vụ Internet Banking và E-Mobile Banking của Agribank, chị chỉ cần ngồi ở nhà là có thể hoàn tất các giao dịch một cách tiện lợi và rất an toàn. Trong khi đó, ông Lê Văn Bình (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) chia sẻ, ông là khách hàng lâu năm, thường xuyên sử dụng các dịch vụ của Agribank, nhưng không nghĩ rằng một ngày nào đó có thể ngồi bất cứ đâu cũng có thể thực hiện giao dịch qua Agribank E-Mobie Banking để chuyển tiền.
Không chỉ chị Tùng, ông Bình, hiện có rất nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận và hưởng lợi từ những phương thức giao dịch ngân hàng hiện đại, tiện lợi mà Agribank Đắk Lắk mang đến. Theo số liệu của Phòng Dịch vụ và Marketing Agribank Đắk Lắk, đến cuối tháng 9-2020 đơn vị đã phát hành 189.909 thẻ ATM cho khách hàng, trong đó khách hàng khu vực nông thôn sử dụng thẻ ATM là 122.034, chiếm gần 64,3% tổng số thẻ phát hành. Dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking có 152.162 khách hàng sử dụng, trong đó có 102.860 khách hàng khu vực nông thôn, chiếm gần 67,6% tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ E-Banking. Dịch vụ Internetbanking là dịch vụ mang dấu ấn của ngân hàng hiện đại, tuy mới triển khai nhưng đã có 10.600 khách hàng sử dụng, trong đó có một số lượng không nhỏ khách hàng ở khu vực nông thôn.
Khách hàng giao dịch tại một đơn vị trực thuộc Agribank Đắk Lắk. |
Không dừng lại ở đó, để giúp người dân ở các địa bàn xa trung tâm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ của ngân hàng, từ đó góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư, ngoài các kênh phân phối như đã nêu trên, Agribank Đắk Lắk còn triển khai thêm kênh phân phân phối “Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng”, với đầy đủ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, như: huy động tiền gửi tiết kiệm; mở tài khoản tiền gửi thanh toán; dịch vụ tiện ích Agribank E-Mobile Banking; tiếp nhận và hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn của khách hàng; thực hiện giải ngân, thu nợ vốn gốc, lãi và cung ứng các dịch vụ ngân hàng tiện ích khác.
Với 38 ATM hiện có (nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh), trên 130 thiết bị chấp nhận thẻ EDC/POS, gần 20 chi nhánh và phòng giao dịch trải rộng từ địa bàn thành thị đến nông thôn… là nền tảng quan trọng để Agribank Đắk Lắk phát triển các sản phẩm dịch vụ và kênh thanh toán hiện đại đến khách hàng - nhất là ở khu vực nông thôn. |
Giang Nam - Quốc Lương
Ý kiến bạn đọc