Bạn đồng hành của nhà nông
Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực, đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương.
Hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh
Vận động hội viên nông dân (HVND) thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, các cấp hội đã tập trung hỗ trợ về giống, vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế gia đình; ký kết và triển khai các chương trình phối hợp với các sở, ngành; tranh thủ sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
Ngoài ra, một số đơn vị còn mời các nhà khoa học về nói chuyện với nông dân; tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi để học tập nhân rộng. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển rộng khắp, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao đem lại hiệu quả thiết thực.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Pắc tham quan mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao của hội viên nông dân trên địa bàn. |
Năm 2020, toàn tỉnh có 216.872 hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi các cấp. So với giai đoạn 2010 - 2015, hiện nay số nông hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 3,9 lần; số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 7,5 lần. Qua phong trào đã có nhiều gương nông dân biết phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ SXKD giỏi. Điển hình như hộ ông Nguyễn Đình Thìn (xã Cư Elang, huyện Ea Kar), là hội viên nông dân tiêu biểu với mô hình liên kết trồng mít cao sản, tổng diện tích 11,7 ha, cho thu nhập đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Ông đã giúp đỡ 5 hội viên nghèo, tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên có mức lương ổn định 5 triệu đồng/tháng. Hay bà Lương Thị Oanh (thôn 6, xã Ea Wy, huyện Ea H'leo) đang phát triển kinh tế với mô hình sản xuất và chế biến cà phê, hồ tiêu; đồng thời mở 1 đại lý cung ứng phân bón thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình này cho gia đình bà thu nhập ổn định hơn 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động và giúp đỡ 105 nông hộ ứng giống cây, con các loại và vật tư để sản xuất hiệu quả.
Góp phần thay đổi diện mạo quê hương
Là một trong những đơn vị điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Chi hội nông dân thôn 6, xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) đã huy động HVND đóng góp 650 triệu đồng, 440 ngày công lao động tham gia tu sửa và làm 1.771 m đường bê tông nông thôn, 4 cụm đèn đường với chiều dài 1,5 km, kéo mới 320 m đường dây điện hạ thế, 12 loa phóng thanh đảm bảo thông tin đến người dân trong thôn.
Bà Nguyễn Thị Bình, HVND thôn 6 chia sẻ: “Thấy lợi ích thiết thực của phong trào xây dựng nông thôn mới nên HVND trong thôn hưởng ứng rất nhiệt tình. Không chỉ tham gia đóng góp xây dựng đường làng ngõ xóm, chúng tôi còn tham gia dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp, trồng cây che bóng để tiết kiệm nước tưới, hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, cùng nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường xanh sạch đẹp”.
Tại xã Buôn Tría (huyện Lắk), HVND cũng đã hiến 42.400 m2 đất các loại và đóng góp tiền, ngày công trị giá 5 tỷ đồng để tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn, cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Búk (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hội viên nông dân. |
“Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đổi mới các chương trình, hoạt động theo hướng cụ thể, thiết thực, hướng về cơ sở, qua đó khơi dậy tiềm năng, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
|
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hội Nông dân luôn chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Qua đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho nông nghiệp nông thôn phát triển đa dạng và bền vững; tạo được việc làm và thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân từng bước được nâng lên, có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương”.
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, cùng với công tác tuyên truyền, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng vận động cán bộ, HVND đóng góp hơn 115,6 tỷ đồng, 493.200 công lao động, hiến 542.249 m2 đất các loại, 5.100 m hàng rào và 107.000 cây cối các loại… để làm mới, tu sửa, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, kênh mương và các công trình dân sinh khác. Hằng năm, toàn tỉnh trung bình có 278.750 hộ nông dân đăng ký phấn đấu, trong đó có trên 223.000 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa".
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc