Multimedia Đọc Báo in

Bò khai - cây trồng triển vọng ở Ea Knuếc

06:55, 09/10/2020

Từ ý tưởng trồng rau bò khai sử dụng cho gia đình, một số người dân ở thôn Cao Bằng (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) từng bước phát triển thành mô hình trồng rau hàng hóa đầy triển vọng.

Rau bò khai còn có tên khác là rau dạ hiến, một loại rau rừng thường mọc ở khu vực núi đá tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn… Loài rau này dạng thân leo, người dân thường hái ngọn, lá non để luộc, xào, nấu canh...

Năm 2015, anh Hoàng Văn Hiệu (thôn Cao Bằng) đã đem cây bò khai từ tỉnh Cao Bằng vào trồng dưới dạng sản xuất hàng hóa tại xã Ea Knuếc. Do đặc thù cây trồng này có khả năng thích nghi không tốt và bản thân anh thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ sống của 2.000 cây bò khai giống (trị giá 120 triệu đồng) chỉ đạt 50%. Sau một năm kiến thiết cơ bản, vườn bò khai bắt đầu cho thu hoạch, nhưng đa phần chỉ là rau bò khai xanh, giá trị dinh dưỡng không cao như bò khai đỏ. Do đó, từ 200 cây bò khai đỏ có sẵn, anh tự nhân giống để trồng dặm lại trong vườn và thay thế cây bò khai xanh. Hiện tại, gia đình anh đã có 1,3 ha bò khai xen canh sầu riêng.

Vườn bò khai xen canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng.
Vườn bò khai xen canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng.

Tương tự, anh Lý Văn Hậu (cùng trú thôn Cao Bằng) cho hay, nhận thấy rau bò khai của người dân trên địa bàn có nhiều triển vọng phát triển nên năm 2019 anh trồng thử vài chục cây để lấy kinh nghiệm. Đầu năm 2020, anh bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhổ bỏ cà phê già cỗi, năng suất thấp để trồng rau bò khai trên diện tích 7 sào đất xen canh hồ tiêu. Đến nay, bò khai đã phát triển khoảng một mét và bắt đầu phân nhánh, dự tính khoảng 6 tháng nữa bắt đầu cho thu bói theo đúng kỹ thuật. Khi cây bò khai phát triển ổn định thì việc chăm sóc dễ hơn, chỉ cần hội tụ đủ điều kiện che bóng và bón phân hữu cơ 4 lần/năm là có thể thu hoạch đều đặn theo từng đợt 3 - 4 ngày/lần.

Với sự đồng thuận, chung chí hướng, năm 2017, 6 người dân trồng bò khai ở thôn Cao Bằng đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau bò khai. Năm 2020 tổ hợp tác kết nạp thêm 7 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 13 và thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng (HTX). Rau bò khai của HTX hiện tại chủ yếu bán cho nhà hàng và các nhà hàng chỉ lấy phần ngọn phía trên rất ngắn, trong khi đó ngọn bò khai phải đảm bảo độ già tương ứng để thu hoạch nhằm kích cây ra nhánh mới. Do đó, đầu năm 2020, HTX đã đầu tư 200 triệu đồng để mua hệ thống các loại máy cắt, máy sấy, máy nghiền… nhằm tận dụng những phần còn lại để sản xuất trà bò khai. Rau bò khai ngoài làm thực phẩm, nhiều người còn sử dụng nó như một vị thuốc quý nhiều đời nay tại các các tỉnh phía Bắc.

Anh Hoàng Văn Hiệu (bìa trái) thông tin về tình hình sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng với cán bộ địa phương.
Anh Hoàng Văn Hiệu (bìa trái) thông tin về tình hình sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng với cán bộ địa phương.

Trăn trở về tương lai, anh Hoàng Văn Hiệu, Giám đốc HTX cho hay, cái khó của HTX là vùng nguyên liệu chưa đủ, trong khi tỷ lệ thành công trong nhân giống và tỷ lệ sống khi trồng chỉ đạt 50% do cây trồng này khá nhạy cảm, dễ bị sốc nhiệt. Do đó, việc đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất trà hay mở rộng quy mô xưởng, phân phối sản phẩm rau bò khai, trà bò khai chưa thể thực hiện được nên giá thành trà bò khai khá cao. Hiện tại, trà bò khai vẫn đang là sản phẩm giới thiệu chứ chưa đưa ra thị trường. Tuy nhiên, HTX vẫn kiên định mục tiêu sản xuất trà để gia tăng giá trị cho vườn cây và yêu cầu các thành viên kiên định mục tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng đều về chất lượng, mẫu mã cung cấp cho khách hàng. Đầu năm 2020, sản phẩm rau bò khai của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã được cấp Chứng nhận VietGAP. Hiện tại bình quân bốn ngày, HTX thu hoạch một lứa rau với khối lượng 20 - 30 kg, bán trực tiếp cho các nhà hàng tại TP. Buôn Ma Thuột và TP. Hồ Chí Minh với giá 70.000 đồng/kg.

Ông Trần Đàm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knuếc cho hay, sự nỗ lực của các thành viên HTX đã đem đến nhiều kỳ vọng cho người dân địa phương, bởi đây không chỉ là cây trồng có giá trị trên phương diện kinh tế mà là cây trồng mới, được trồng, chăm sóc theo hướng hiện đại và chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm của cây bò khai đều được sử dụng theo hướng gia tăng giá trị là bán rau sạch trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn mà không cần qua trung gian nên bà con được lợi nhiều.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.