Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện thu nhập từ trồng rau ngót theo hướng hữu cơ

13:57, 08/10/2020

Trước năm 2016, gia đình anh Trần Văn Dũng, ở thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar) chỉ trồng cà phê nhưng giá cả bấp bênh nên lãi chẳng là bao.

Nhận thấy rau ngót dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, thích hợp trên nhiều vùng đất và là loại rau được nhiều gia đình ưa thích nên anh quyết định chuyển đổi 6 sào cà phê sang trồng rau ngót theo hướng hữu cơ.

Được cơ quan khuyến nông địa phương hỗ trợ về kỹ thuật, máy móc trong canh tác theo chương trình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, anh Dũng mạnh dạn đầu tư máy xới đất, hệ thống tưới tự động cho vườn rau ngót, tìm hiểu và áp dụng các biện pháp chăm sóc vườn rau nhằm làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Anh Dũng chăm sóc vườn rau ngót.
Anh Dũng chăm sóc vườn rau ngót.

Hiện tại gia đình anh có 3 vườn rau ngót trồng “gối đầu” nhau, nhờ kỹ thuật chăm bón tốt nên vườn rau của anh xanh tốt. Anh Dũng chia sẻ: “Rau ngót dễ trồng, dễ chăm sóc, 2 tháng thu hoạch một lần. Bình quân 1 sào mỗi lần thu được khoảng 2,5 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cây hoa màu khác”. Theo đó, vườn rau 6 sào của anh Dũng có thể thu hoạch trung bình 100 - 120 kg rau/ngày bán cho các đơn vị thu mua rau sạch theo hợp đồng. Với giá bán từ 26.000 đồng/kg, anh thu được khoảng 2 triệu đồng/ngày, sau khi trừ chi phí thì lãi khoảng 700.000 đồng/ngày. Mức thu nhập này có lẽ là mơ ước của rất nhiều người nông dân địa phương.

Để rau ngót đạt năng suất, chất lượng, anh Dũng cho biết, khi trồng cần chọn những đoạn thân, cành bánh tẻ cắt thành hom dài 10 – 15 cm để trồng. Mỗi hốc đặt 2 đoạn cành nằm nghiêng, vùi đất sâu 2/3 rồi lấp kỹ để cây nảy nhiều chồi. Khi cây rau ngót đã lên xanh tốt thì bón thêm bột đậu nành xay nhuyễn trộn với phân vi sinh và vôi. Anh còn sử dụng vỏ đậu phộng đã được ủ hoai mục với đạm, lân, kali để bón, qua mùa khô cây lại lên các đợt chồi mới khỏe hơn, vườn rau được trẻ hóa. Rau ngót có thể thu hoạch liên tục trong khoảng 2 – 3 năm mới phải trồng lại nếu được chăm sóc tốt. Nhờ vườn rau ngót, gia đình anh Dũng có thu nhập quanh năm, không chỉ trông chờ vào vụ thu hoạch cà phê, tiêu.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.