Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: "Vướng" đến bao giờ?
Mặc dù luôn được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng đến nay nhiều đơn vị, địa phương có DNNN phải thực hiện cổ phần hóa vẫn còn “ì ạch” do nhiều vướng mắc.
Chậm so với kế hoạch
Theo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị; Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 58) và Công văn số 1832/TTg-ĐMDN, ngày 15-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 1832), trên địa bàn tỉnh có 8 DNNN thuộc tỉnh quản lý nằm trong diện cổ phần hóa. Trong đó có 2 DN thực hiện cổ phần hóa theo Quyết định số 58 gồm: Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường (hiện là Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường) và Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng (hiện là Công ty Cổ phần cấp nước đầu tư xây dựng). Đến nay, hai công ty này đều đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa quyết toán vốn nhà nước, chi phí cổ phần hóa.
Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk cạo mủ cao su. |
Đối với 6 DNNN do tỉnh quản lý và thuộc diện phải sắp xếp, chuyển đổi theo Công văn số 1832 bao gồm các Công ty TNHH MTV: Cà phê Phước An, Cao su Đắk Lắk, Cà phê Ea Pốk, Cà phê Thắng Lợi, Sản xuất kinh doanh tổng hợp Krông Ana và Cà phê - Ca cao Tháng 10. Đến nay, tỉnh đã thực hiện cổ phần hóa 4/6 DN là các Công ty Cổ phần Cà phê Phước An, Cao su Đắk Lắk, Cà phê Ea Pốk, Cà phê Thắng Lợi. Quá trình cổ phần hóa tại các DN chưa hoàn thành và được tỉnh đánh giá là chậm so với kế hoạch đề ra, đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. Ông Phạm Xuân Thụ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi cho biết, công ty được xác định giá trị DN để thực hiện cổ phần hóa từ 0 giờ ngày 1-7-2017. Sau thời điểm này, công ty lại phát sinh các khoản nợ thuế chưa được xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN theo quy định. Hơn nữa, hiện nay các hộ nhận khoán, liên kết không nộp sản lượng khoán đã gây khó khăn cho điều hành sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của công ty, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư mua cổ phần.
Tương tự, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk cũng đang gặp khó khăn về tài chính, về khả năng thanh toán các khoản nợ ngân hàng, nhu cầu vốn đầu tư tái canh cao su… Ông Bùi Quang Ninh, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, đến nay công ty vẫn chưa hoàn thành hồ sơ quyết toán vốn nhà nước do thủ tục giải quyết xử lý kiến nghị của Cục Thuế tỉnh kéo dài. Hơn nữa, việc thoái vốn nhà nước không giữ cổ phần chi phối của đơn vị đã không được Chính phủ đồng ý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn Hà
|
Quá trình thực hiện cổ phần hóa ở Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao Tháng 10 cũng bị chậm trễ so với kế hoạch đề ra do số vốn nhà nước hiện có không đủ để bán ưu đãi cho người lao động. Đến nay đã quá thời hạn 9 tháng kể từ thời điểm công bố giá trị DN, nhưng công ty vẫn chưa thực hiện bán cổ phần nên phải tổ chức xác định lại giá trị DN.
Nhanh chóng gỡ “vướng”
Trên thực tế, thời gian qua đã có những trở ngại từ tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, chủ yếu đến từ chất lượng DN và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách và tư duy đón nhận dòng vốn từ nhà đầu tư của các chủ DN vẫn còn nhiều ngần ngại. Ông Lê Danh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho hay, một trong những vướng mắc lớn làm ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa các DNNN trong thời gian qua là việc xử lý các khoản thuế phát sinh khi cổ phần hóa ba Công ty TNHH MTV: Cao su Đắk Lắk, Cà phê Thắng Lợi, Cà phê Ea Pốk… Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các DN tổ chức xác định lại giá trị DN; khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quyết toán vốn nhà nước.
Công nhân Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi thu hoạch cà phê. |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới DNNN trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, tổ giúp việc của Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho các thành viên, thường xuyên đôn đốc các cá nhân, đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Đối với việc xử lý các vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, các đơn vị liên quan cần kịp thời báo cáo Thường trực UBND tỉnh để xem xét, giải quyết theo quy định, nhanh chóng gỡ “vướng” cho các DN…
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc