Giải pháp phát triển nhãn hiệu "Gạo Krông Ana" thành thương hiệu uy tín
Ngày 1-10-2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Đây là cơ sở pháp lý tạo tiền đề để huyện Krông Ana hướng đến xây dựng thương hiệu gạo uy tín, chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” đi vào sử dụng trong thực tế, UBND huyện Krông Ana đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy, khẳng định chất lượng sản phẩm. Tháng 1-2020, UBND huyện đã tổ chức Hội thảo công bố, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”, qua đó giới thiệu, quảng bá cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ các quyền lợi cơ bản khi sử dụng nhãn hiệu này.
Đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới phương thức sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, thực hiện các quy trình sản xuất đối với sản phẩm nhằm giữ vững và duy trì nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”. Cùng với đó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và chế biến theo quy trình khép kín nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng.
Cuối tháng 7-2020, UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lớp tập huấn bảo hộ và khai thác nhãn hiệu cho các hợp tác xã (HTX), chủ cơ sở xay xát lúa gạo, nông dân sản xuất lúa tiêu biểu… về một số nội dung cơ bản như: vì sao phải đăng ký nhãn hiệu; khả năng phân biệt của nhãn hiệu; quy trình đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp mới thành lập; sử dụng, khai thác và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ…
Sản phẩm gạo Krông Ana trưng bày trong Hội chợ Triển lãm nông nghiệp - thương mại năm 2020 vừa được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Là một trong những địa phương có diện tích lúa nước lớn của tỉnh, với các vựa lúa ở các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmăl và thị trấn Buôn Trấp, hằng năm, lúa gạo đóng góp vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện khoảng 20%. Có hệ thống sông Krông Ana bao bọc, với chiều dài qua địa bàn huyện gần 80 km, hằng năm lượng phù sa bồi đắp cho các cánh đồng rất lớn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng lúa ở địa phương rất cao, trung bình khoảng 7 tấn/ha. Ngoài các giống lúa phổ biến đã được người dân địa phương sản xuất từ nhiều năm nay như: RVT, HT1, VS1, OM4900, OM6162, vài năm gần đây nông dân trên địa bàn đã đưa giống lúa ST24 vào gieo trồng, được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa), năm nay giống lúa ST24 được gieo trồng theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 3 ha tại cánh đồng thôn 6, xã Bình Hòa. Đặc điểm của ST24 là gạo mềm, thơm, dẻo, đặc biệt khi cơm nguội vẫn giữ độ dẻo mà không bị khô như một số loại gạo khác.
Xác định việc đăng ký và quản lý tốt nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” là một trong những công cụ để phát triển sản phẩm trong nền sản xuất hàng hóa có nhiều cạnh tranh, cũng là một trong những phương pháp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người trồng lúa và tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm, đầu tháng 4-2020, UBND huyện Krông Ana đã ban hành Kế hoạch phát triển thương hiệu “Gạo Krông Ana”, với mục tiêu phát triển nhãn hiệu chứng nhận thành thương hiệu có uy tín trên thị trường. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra gồm: lựa chọn HTX thí điểm sử dụng nhãn hiệu; hoàn chỉnh lại các thủ tục để cấp phép sử dụng nhãn hiệu; tổ chức mở lớp đào tạo xây dựng nhãn hiệu thông thường cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn; quảng bá, hỗ trợ đưa sản phẩm mang nhãn hiệu vào siêu thị; hỗ trợ tìm kiếm đề xuất dự án khuyến công; tuyển chọn giống lúa, xây dựng vùng chuyên canh… Tổng kinh phí để thực hiện kế hoạch này dự kiến trên 1 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách tỉnh (200 triệu đồng), ngân sách huyện (160 triệu đồng), còn lại huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ.
Gạo ST24 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa). |
Mới đây, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Krông Ana cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Gạo Krông Ana”. Cụ thể, huyện sẽ thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho một số cây trồng thế mạnh và sử dụng các bộ giống mới cho năng suất, chất lượng cao, có thể thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế những vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao tại các xã Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl và thị trấn Buôn Trấp, góp phần nâng cao giá trị của nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Bên cạnh đó thu hút, khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến nông sản có thế mạnh của huyện như lúa gạo, cà phê, ca cao, nấm… tại các vùng sản xuất nguyên liệu.
Ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết, để thực hiện tốt Kế hoạch phát triển thương hiệu “Gạo Krông Ana”, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với ngành chức năng, siêu thị trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận tham gia các hội thảo, triển lãm, hội chợ và bày bán trong siêu thị. Đồng thời tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công, khoa học và công nghệ để thúc đẩy, phát triển cây lúa nước theo hướng hiện đại, đem lại năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao…
UBND huyện Krông Ana cho biết, năm 2020, địa phương đặt mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm gạo sử dụng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” đạt từ 500 tấn trở lên; có ít nhất 1 doanh nghiệp sử dụng chứng nhận “Gạo Krông Ana” đáp ứng đủ các điều kiện về quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu theo quy định. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc