Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

07:45, 07/10/2020

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Ana đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt 285 tỷ đồng, 8.853 hộ đang còn dư nợ; mỗi năm thực hiện cho vay trên 3.000 lượt hộ.

Các hộ vay vốn từ chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn chủ yếu sử dụng nguồn vốn vào mục đích chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tính đến cuối năm 2019, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1.561 hộ, chiếm tỷ lệ 7,44%, giảm 2.241 hộ so với năm 2015.

Buôn Ê Căm là một trong 3 buôn nghèo của thị trấn Buôn Trấp. Tại buôn có 5 tổ tiết kiệm và vay vốn, có tổng dư nợ trên 7,7 tỷ đồng cho 219 hội viên vay vốn. Nhiều năm qua, buôn Ê Căm đều không có nợ quá hạn, lãi tồn. Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội phụ nữ buôn Ê Căm H’Ngơn Byă cho hay: “Để hội viên vươn lên phát triển kinh tế, tôi chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu vay vốn của họ. Đồng thời, kiểm tra mục đích sử dụng vốn, quán triệt hội viên trả tiền vay đúng hạn. Ba năm qua, trung bình mỗi năm có hai gia đình hội viên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay này, nhiều chị em đã vươn lên làm giàu, tiêu biểu như: chị H’Ly Byă, H’Ă Ênuôl…”.

Anh Y Lul Niê (trú buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp) sử dụng nguồn vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi bò.
Anh Y Lul Niê (trú buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp) sử dụng nguồn vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi bò.

Tương tự, ở buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) cũng có 5 tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ 8,4 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Anh Y Lul Niê là hộ cận nghèo nhiều năm liền của địa phương. Năm 2018, anh Y Lul được NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Anh mạnh dạn vay người thân, bạn bè thêm 10 triệu đồng mua 3 con bò cái sinh sản. Sau hơn 2 năm chăn nuôi, đàn bò của gia đình anh đã tăng lên 6 con. Để có vốn phát triển chăn nuôi anh Y Lul bán 1 con bò với giá 14 triệu đồng. Hiện nay, đàn bò của gia đình anh có 4 con chuẩn bị sinh bê, anh Y Lul rất vui vì sớm trả được nợ ngân hàng. Từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình anh Y Lul còn có thêm nguồn thu 6 triệu đồng từ tiền bán phân bò. Anh Y Lul cho hay: “Gia đình hiện vẫn chưa có chuồng trại chăn nuôi bò kiên cố, sau khi trả hết nợ ngân hàng, tôi tiếp tục vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò lâu dài, sớm vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bà Huỳnh Thị Lữ Ái, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Krông Ana khẳng định, hiệu quả từ các chương trình tín dụng do đơn vị thực hiện trong những năm qua đã thể hiện rõ qua cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn cụm dân cư, theo địa giới hành chính thôn, buôn, tổ dân phố; nâng cao trách nhiệm của hội, đoàn thể nhận ủy thác, trong đó tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện việc tuyên truyền cho người dân hiểu được nghĩa vụ, quyền lợi của mình trước, trong và sau khi vay vốn để có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, thực hành tiết kiệm và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn vay đúng hạn..., nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng, góp phần vào công tác giảm nghèo của huyện.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.