Hiệu quả từ mô hình đa cây, đa con
Chủ động phát triển kinh tế gia đình theo hướng tổng hợp đa cây đa con, tăng gia, thâm canh phù hợp từ trồng trọt đến chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn 2B, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) đã có thu nhập cao và ổn định, trở thành một trong những điển hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương.
Bắt đầu gây dựng kinh tế với gần 2 ha đất, chị Mỹ luôn nghĩ cách làm thế nào để sinh lợi. Vốn cần cù, chăm chỉ, vợ chồng chị đã từng bước phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng.
Khởi điểm ban đầu, chị Mỹ dành 1 ha trồng cà phê để ổn định sinh kế lâu dài. Nhưng chị nhận thấy, nếu chỉ độc canh cây cà phê thì không hiệu quả, nên chị tính phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp đa cây, đa con để gia tăng thu nhập. Chị quyết định đào hai ao để nuôi cá với diện tích mặt nước hơn 2 sào, dành 2 sào đất để trồng lúa; trồng cỏ bao quanh nhà làm thức ăn chăn nuôi; phần diện tích còn lại thì chị trồng mùa nào thứ ấy. Tầm gần cuối năm chị trồng hoa lay ơn để kịp bán dịp tết vì được giá; ra giêng, thì trồng bắp, sau đó chuyển sang trồng rau, phía trên làm giàn trồng bí, mướp. Riêng bắp, chị Mỹ trồng hai loại, loại bắp trắng để luộc mang ra chợ bán và bắp đỏ thu hoạch về tách hạt phơi khô, để dành xay bột làm thức ăn chăn nuôi.
Theo chị, trồng bắp rất tiện lợi, vì vừa bán được bắp trái, vừa tận dụng được tất cả thành phần của cây như thân, lá, hạt để cho bò ăn. Bột bắp là thức ăn giàu năng lượng, rất phù hợp để chăn nuôi, “thúc” bò, gà mau mập, chắc thịt, giá bán cao. Có thời điểm, chị nuôi 8 con bò trong chuồng, cả bò sinh sản và bò thịt. Bên cạnh đó, chị còn nuôi thêm hơn 100 con gà, vịt.
Chị Nguyễn Thị Mỹ trồng đa dạng các loại cây để tăng thu nhập. |
Theo chị Mỹ, sản xuất nông nghiệp mà không có sự kết hợp, bổ trợ sẽ khó phát triển bền vững. Trồng nhiều loại cây sẽ tạo được nguồn thu ổn định, hạn chế rủi ro khi một loại nông sản rớt giá và cũng là cách để “lấy ngắn nuôi dài”. Mô hình vườn - ao - chuồng giúp chị tận dụng được phế phẩm làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm được chi phí đầu tư, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Nhiều năm làm nông nghiệp, chị ít khi phải bỏ tiền mua phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật để bón cho vườn cây của mình mà chỉ bón bằng nguồn phân tự ủ. Nhờ thế, vườn cây rất ít sâu bệnh, phát triển tốt, cho sản lượng cao. Chị nhẩm tính, với mô hình này, gia đình chị có thể tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm, ngoại trừ thịt heo là phải mua ngoài chợ.
Chỉ tính riêng các loại cây ngắn ngày, tiền bán rau, bắp… đã giúp chị đủ trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày. Ao cá cho thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi năm, vụ hoa lay ơn mỗi năm bán mùa Tết cũng thu về số tiền tương tự… Do biết đầu tư thâm canh hợp lý nên hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Mỹ thu về hơn 350 triệu đồng.
Chăn nuôi bò mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ. |
Chị Mỹ chia sẻ, trên cùng diện tích đất, nhưng nếu biết khai thác bằng cách đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Có thể nói, mô hình chăn nuôi, làm vườn kết hợp trên đang mang lại hiệu quả cao giúp gia tăng giá trị sản xuất cũng như hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân, giảm chi phí đầu tư trên một đơn vị diện tích đất.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc