Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể

08:00, 07/10/2020

Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT), thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Cư Kuin đã chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các loại hình KTTT phù hợp với từng địa phương, giúp giải quyết những khâu, những việc mà từng hộ không làm được hoặc làm không hiệu quả.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin Nguyễn Lưu Tuệ cho biết, để xây dựng và phát triển các mô hình KTTT, Hội đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên như: tạo nguồn vốn cho người dân vay đầu tư sản xuất; vận động người dân tích cực tăng gia sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xúc tiến cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm; cử cán bộ chuyên trách bám sát địa bàn, hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ; xây dựng các mô hình trình diễn, phát triển sản xuất có hiệu quả… Qua đó, các hội viên, nông dân đã có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

Đại diện Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan vườn tiêu của thành viên Câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững thôn 3 (xã Ea Bhốk).
Đại diện Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan vườn tiêu của thành viên Câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững thôn 3 (xã Ea Bhốk).

Điển hình như Câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững thôn 3 (xã Ea Bhốk) được Hội Nông dân xã hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục thành lập vào năm 2018, gồm 15 hộ dân tham gia với tổng diện tích 9 ha. Hội Nông dân huyện Cư Kuin cũng tạo điều kiện cho các thành viên trong câu lạc bộ vay vốn với tổng số tiền 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua sắm vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Theo ông Nguyễn An Thạnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ, trước đây, các hộ trồng tiêu trên địa bàn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và theo kiểu “mạnh ai nấy làm” dẫn đến nhiều diện tích tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh, năng suất cây trồng sụt giảm. Từ khi tham gia vào câu lạc bộ, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật huyện, các thành viên đã thay đổi cách thức canh tác theo hướng hữu cơ. Theo đó, các hộ trồng tiêu trên trụ sống, lựa chọn sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để chăm bón cho cây trồng, khâu làm cỏ được thực hiện thủ công… Nhờ vậy, vườn tiêu của các hộ đều phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh và năng suất dần tăng lên 8 - 10 tấn/ha (tăng 3 - 4 tấn/ha so với trước) .

Mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand lai của ông Phạm Quang Hinh (buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk).
Mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand lai của ông Phạm Quang Hinh (buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk).

Tương tự, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường và mở rộng quy mô chăn nuôi, cuối năm 2019, các hộ nuôi dê ở xã Ea Ning đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê. Định kỳ 2 tháng/lần, tổ tiến hành họp để nắm bắt tình hình chăn nuôi của từng thành viên, cùng nhau bàn bạc và tìm hướng tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ còn được Hội Nông dân xã tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi; giới thiệu điểm cung ứng giống vật nuôi tốt, bảo đảm chất lượng; hỗ trợ các hộ vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi… Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ning Nguyễn Xuân Trường cho biết, Hội đã kết nối được với một số đầu mối ở huyện Krông Pắc nhận thu mua sản phẩm cho người dân với mức giá ổn định dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg nên không bị tình trạng thương lái ép giá nữa. Nhờ vậy, các thành viên trong tổ yên tâm phát triển loại vật nuôi này.

Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội Nông dân huyện Cư Kuin đã vận động nông dân xây dựng được 50 mô hình KTTT (gồm 3 hợp tác xã nông nghiệp, 4 tổ hợp tác nuôi thỏ, nuôi gà sinh học, 33 tổ sản xuất cà phê bền vững, 2 câu lạc bộ hồ tiêu và 8 tổ thủy nông) góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuyết Mai

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.