Khi người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện M'Drắk đã đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập…
Trước đây, vì đông con, thiếu vốn sản xuất, gia đình bà H'Lăc Niê (Aduôn Jen) ở buôn M'Suốt (xã Krông Jing) rất khó khăn, nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2007, bà được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Bà H'Lăc còn được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi để phát huy hiệu quả vốn vay. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đôi bò phát triển tốt, hằng năm sinh sản đều đặn, sau 3 năm gia đình bà H’Lăc đã thoát nghèo bền vững và hoàn trả toàn bộ tiền gốc, lãi cho ngân hàng.
Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình bà bán từ 1 - 2 con bò thịt, với giá hơn 15 triệu đồng/con. Với thu nhập từ 1,5 ha keo, 1,5 ha sắn, 1 ha lúa nước, chăn nuôi bò sinh sản..., gia đình bà hiện ở trong nhóm kinh tế khá của buôn, xây được nhà mới khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Ngoài nguồn vốn vay hộ nghèo, gia đình bà còn được tiếp cận với vốn vay học sinh - sinh viên; hiện nay hai người con của bà đã ra trường và là giáo viên dạy mầm non tại địa phương.
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện M'Drắk hướng dẫn người dân các thủ tục vay vốn. |
Gia đình anh Y Hoan Niê, ở buôn Năng (xã Cư Prao) cũng là điển hình tiêu biểu sử dụng vốn vay hiệu quả để phát triển kinh tế. Cách đây 10 năm được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện M'Drắk, gia đình anh Y Hoan đầu tư trồng hơn 3 ha keo lai, đồng thời trồng xen sắn, ngô để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau 5 năm khai thác keo, gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng, sau đó tiếp tục vay thêm vốn để phát triển quy mô trồng rừng. Đến nay, gia đình anh Y Hoan đã có 10 ha rừng keo lai luân phiên khai thác, hơn 3 ha hoa màu kết hợp chăn nuôi bò. Không chỉ thoát nghèo mà gia đình anh còn có thu nhập khá và ổn định. Thành công với mô hình kinh tế trồng rừng kết hợp, anh Y Hoan Niê sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chăn nuôi, trồng trọt với bà con trong buôn để họ vươn lên thoát nghèo.
Tính đến thời điểm hiện tại, huyện M’Drắk đã xây dựng được 249 tổ tiết kiệm - vay vốn tại 173 thôn, buôn, tổ dân phố trong toàn huyện. Qua đó đã tạo điều kiện cho hơn 10.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ gần 398 tỷ đồng; trong đó, cho vay hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo hơn 263,8 tỷ đồng... Bình quân tăng trưởng dư nợ 10 - 15%/năm; tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp, chiếm 0,06% tổng dư nợ.
Theo Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện M'Drắk Nông Tuấn Đạt, Ngân hàng CSXH huyện M'Drắk đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền về tín dụng chính sách và chuyển kịp thời vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng hưởng thụ. Đồng thời, giám sát chặt chẽ để nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay, góp phần giảm tỷ lệ nghèo trên địa bàn huyện bình quân từ 3 - 4% mỗi năm.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc