Nỗ lực đẩy nhanh quá trình đô thị hóa
Đô thị hóa đúng hướng luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế ở bất kỳ địa phương nào. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các chính sách nhằm phát triển đô thị phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn.
Đô thị "chuyển mình"
Có thể thấy rằng, phát triển đô thị có vai trò là động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương và toàn tỉnh. Với vai trò quan trọng đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 26-10-2012 về phát triển hệ thống đô thị đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, để cụ thể hóa nghị quyết nêu trên, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 để làm căn cứ trong việc lập quy hoạch, xây dựng các tiêu chí để đánh giá, phân loại đô thị, xây dựng các chương trình phát triển đô thị trong từng giai đoạn sao cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường.
Ngoài ra, thực hiện Thông tư số 12/2014/TT-BXD, ngày 25-8-2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề cương Chương trình phát triển từng đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, các địa phương tiến hành lập Chương trình phát triển đô thị như: Chương trình phát triển đô thị TP. Buôn Ma Thuột (giai đoạn 2016 - 2025), Chương trình phát triển đô thị thị xã Buôn Hồ (giai đoạn 2017 - 2025)…
Kiến trúc, cảnh quan thị xã Buôn Hồ có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại hơn. Ảnh: Hoàng Gia |
Nhờ nỗ lực triển khai các chương trình phát triển đô thị, hiện nay toàn tỉnh đã có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP. Buôn Ma Thuột), 5 đô thị loại IV (thị xã Buôn Hồ, thị trấn Ea Kar, thị trấn Phước An, thị trấn Buôn Trấp, thị trấn Ea Drăng) và 10 đô thị loại V (thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk, thị trấn Ea Súp, thị trấn M’Drắk, thị trấn Krông Năng, thị trấn Krông Kmar, thị trấn Liên Sơn, thị trấn Ea Knốp, đô thị Buôn Đôn, đô thị Pơng Drang). Hệ thống đô thị toàn tỉnh đang có chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, những năm gần đây, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan tại một số đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay theo hướng hiện đại hơn.
Còn nhiều khó khăn
Theo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều đô thị chưa đáp ứng được các tiêu chí theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, do thiếu nguồn lực và thiếu sự liên kết giữa các đô thị trong tỉnh. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 286/QĐ-TTg, ngày 9-3-2018, giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt khoảng 35%, đến năm 2030 đạt 46,5%. Tuy nhiên đến quý II-2020, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh mới đạt hơn 24,7%. Tỷ lệ đô thị hóa tăng chậm (khoảng 0,02%/năm) cho thấy có sự mất cân đối giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn và có thể dẫn đến việc gia tăng khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu vực đô thị và nông thôn. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột và phát triển chậm hơn tại các địa phương khác. Ngoài ra, công tác công nhận loại đô thị chưa đi đôi với nâng cấp quản lý đô thị, ảnh hưởng đến mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một góc đô thị Buôn Ma Thuột (đoạn qua bùng binh Km3). |
Ông Phạm Phú Lộc, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ chia sẻ, do nguồn vốn hạn chế nên việc thực hiện quy hoạch và triển khai một số dự án phát triển đô thị trên địa bàn thị xã Buôn Hồ chưa thể thực hiện được. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa của địa phương.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, ngoài vấn đề nguồn vốn không đáp ứng so với nhu cầu của địa phương, hiện nay việc xây dựng thị trấn Krông Kmar, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn do hạn chế, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực vào phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa đồng bộ với chất lượng đô thị, tạo động lực phát triển và phát huy các thế mạnh của tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Tứ Toàn cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư mang tính trọng điểm, có ý nghĩa phát triển đô thị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách để tập trung hoàn thiện và phát triển đô thị, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là cần cụ thể hóa các ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, xây dựng công trình phúc lợi xã hội…
Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các ngành chức năng tiến hành lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2030. Sau khi được phê duyệt, Chương trình sẽ là cơ sở để lập đề án phân cấp, phân loại đô thị trong tỉnh và xác định lộ trình đầu tư phát triển đô thị, các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm đến năm 2025 và 2030. |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc