Multimedia Đọc Báo in

Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại huyện Krông Ana: Thêm cơ hội kết nối doanh nghiệp Việt với người tiêu dùng địa phương

07:51, 12/10/2020

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp sẽ tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại huyện Krông Ana.

Phiên chợ sẽ diễn ra từ ngày 29-10 đến 3-11 tại Nhà văn hóa huyện Krông Ana. Lễ khai mạc bắt đầu lúc 19 giờ ngày 29-10. Quy mô phiên chợ có 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá và bày bán các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Hàng hóa bày bán bao gồm: lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, phân bón, giống cây trồng, máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp…. Đây đều là những mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các cơ quan quản lý Việt Nam cấp chứng nhận về chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng và vệ sinh an toàn đối với hàng hóa. Nhất là hàng tiêu dùng như: thiết bị điện tử, cơ khí, nông cụ, giống cây trồng, lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thiết bị vật tư y tế… nằm trong danh mục hàng hóa được Sở Công thương phê duyệt.

Người dân đến tìm hiểu thông tin, sản phẩm hàng hóa bày bán tại một Phiên chợ hàng Việt về miền núi diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Người dân đến tìm hiểu thông tin, sản phẩm hàng hóa bày bán tại một Phiên chợ hàng Việt về miền núi diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Trên thực tế, Krông Ana là huyện khá xa các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm và đầu mối kinh doanh lớn của tỉnh; đời sống người dân còn khó khăn nên việc tiếp cận hàng Việt Nam có chất lượng, giá cả hợp lý chưa nhiều. Do đó, phiên chợ sắp tới được kỳ vọng sẽ là dịp để doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng vùng nông thôn, từ đó cung ứng những sản phẩm phù hợp thị hiếu, giá tiền, chất lượng bảo đảm. Đồng thời, để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh mới, phát triển thị trường trong nước. Đây còn là dịp để người dân vùng nông thôn tìm hiểu sâu hơn về hàng hóa Việt Nam có mặt trên thị trường, từ đó quyết định chọn mua hàng Việt thay thế các loại hàng hóa ngoại nhập, phục vụ tiêu dùng trong gia đình.

Ông Nguyễn Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho hay, phiên chợ diễn ra mỗi năm trên địa bàn là “cơ hội kép” cho cả doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Phía nhà sản xuất, kinh doanh có cơ hội quảng bá sản phẩm, phát triển kênh phân phối ở thị trường nông thôn và cũng là điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp. Trong khi đó, người tiêu dùng được tiệm cận hơn với hàng Việt, biết thêm nhiều mặt hàng chất lượng do chính doanh nghiệp trong nước sản xuất, từ đó hình thành tâm lý ưa chuộng hàng Việt.

Ban tổ chức họp  với các đơn vị  liên quan chuẩn bị những nội dung  để phiên chợ  về miền núi  tại huyện Krông Ana  diễn ra chu đáo.
Ban tổ chức họp với các đơn vị liên quan chuẩn bị những nội dung để phiên chợ về miền núi tại huyện Krông Ana diễn ra chu đáo.

Trung tâm Xúc tiến thương mại - đơn vị chủ trì tổ chức sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan liên quan bảo đảm những điều kiện tốt nhất về mặt bằng, điện, nước, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy… trong suốt thời gian phiên chợ diễn ra. Đặc biệt, Trung tâm cũng đang làm việc, vận động và lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, những mặt hàng chất lượng tham gia phiên chợ lần này. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường tổ chức các hoạt động khuyến mãi, kích cầu mua sắm tại phiên chợ. Trong đó, ưu tiên chú trọng tổ chức thêm hoạt động cung cấp thông tin, kiến thức về nhận dạng thương hiệu Việt, hàng hóa Việt để người tiêu dùng địa phương nắm rõ, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng "nhái", kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, làm ảnh hưởng đến uy tín và lòng tin với hàng Việt.

Phía Ban tổ chức cho biết, đến thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phiên chợ đăng ký mang đến những mặt hàng thiết yếu, chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn hàng ngoại nhập phục vụ bà con. Với nỗ lực đó, cả Ban tổ chức cũng như các doanh nghiệp tham gia đang cố gắng để hàng hóa Việt đến gần hơn với người tiêu dùng vùng nông thôn trong phiên chợ lần này.

Song song với đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền về phiên chợ cũng như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa đài, băng rôn, khẩu hiện… để thu hút người dân đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm tại phiên chợ lần này.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.