Tư tưởng chưa thông, đeo bình tông cũng thấy nặng…
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được huyện Krông Bông chú trọng triển khai.
Nhiều dự án với số vốn hàng trăm tỷ đồng đã được thực hiện nhằm hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo dựng nhiều mô hình sản xuất giúp người dân phát triển kinh tế để giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên hiệu quả đem lại chưa được như kỳ vọng. Thu nhập bình quân đầu người của huyện rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào Êđê, M’nông vẫn rất cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến công tác giảm nghèo của huyện gặp khó là người dân chưa thay đổi được nếp nghĩ…
Người dân thôn Điện Tân (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) làm đường giao thông nội thôn. Ảnh: Văn Tâm |
Theo thống kê năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào DTTS tại chỗ ở 3 xã căn cứ cách mạng của huyện còn cao. Cụ thể: xã Cư Pui có 792 hộ, 3.278 khẩu là người dân tộc Êđê và M’nông nhưng có đến 611 hộ nghèo và cận nghèo (394 hộ nghèo và 217 hộ cận nghèo), chiếm tỷ lệ 77,1%; xã Yang Mao có 879 hộ Êđê và M'nông ở 7 buôn song có tới 465 hộ nghèo và 262 hộ thuộc diện cận nghèo, chiếm tỷ lệ 83,5%.
Còn xã Cư Drăm có 5 buôn đồng bào Êđê và M’nông với 549 hộ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 81,5% (gồm 329 hộ nghèo, 113 hộ cận nghèo). Điều đáng nói là xã Cư Drăm nằm ở trung tâm của 3 xã cánh đông, điều kiện phát triển kinh tế tương đối thuận lợi và được đầu tư nhiều nguồn vốn nhưng dường như các dự án, chương trình chưa tạo nên chuyển biến mạnh trong công tác giảm nghèo. Đơn cử như riêng Chương trình giảm nghèo Tây Nguyên trong những năm qua đã đầu tư 10,3 tỷ đồng cho 38 nhóm sinh kế của xã Cư Drăm để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, trong đó buôn Chàm A có 80 hộ (4 nhóm) được hỗ trợ heo, bò để chăn nuôi, chưa kể còn được đơn vị kết nghĩa tặng 15 con bò giống sinh sản nhưng đến nay trong buôn chẳng còn con nào. Buôn Chàm B cũng trong tình trạng tương tự. Ông Y Ruynh Niê Kuan ở buôn Chàm B (nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Bông) ngao ngán: “Các hộ nghèo được nhiều dự án hỗ trợ sinh kế để trồng trọt, chăn nuôi song kết quả thực sự thất vọng”.
Thực tế ngoài lý do thiên tai, dịch bệnh, giá cả thì một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nghèo ở các địa phương này vẫn còn cao chính là… con người. Nhiều người dân hiện vẫn chưa thay đổi được nếp nghĩ, vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu động lực, không có quyết tâm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, từ đó không tận dụng được nguồn lực tự có, lãng phí sức lao động, tài nguyên đất, vốn vay, sự hỗ trợ của Nhà nước... Hàng trăm hộ đồng bào Êđê, M’nông ở xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao thường lấy lý do không thoát nghèo được vì thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, trong khi vốn, giống được hỗ trợ thì sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả... Ông Ama Hen, Trưởng buôn Hằng Năm (xã Yang Mao) than thở: “Nhiều hộ dân trong buôn cho Công ty Lâm nghiệp Krông Bông thuê hơn 200 ha đất trồng keo và cho một doanh nghiệp ở địa phương khác thuê 18 ha đất trong thời hạn 20 năm để lấy tiền sử dụng vào những việc vô bổ trong khi gia đình họ thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất”.
Việc đầu tư dàn trải theo kiểu phân tán, không đầu tư trọng điểm dẫn đến hiệu quả kinh tế đem lại không cao, nhiều người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức từ thiện. Bên cạnh đó, việc thiếu kiểm tra, ít đánh giá hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi; thiếu sự đôn đốc, giám sát, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ thôn, buôn, cán bộ kỹ thuật có chuyên môn, các cơ quan chức năng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các dự án giảm nghèo không mang lại hiệu quả.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc