Chuyển biến tích cực từ Chương trình giảm nghèo ở huyện Cư M'gar
Nhờ vào nỗ lực của chính hộ nghèo cộng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo ở huyện Cư M’gar đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đà cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Cư M’gar đang được thực hiện hiệu quả, đồng bộ ở các xã. Các nguồn vốn từ chương trình được lồng ghép khéo léo để giúp các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất. Nhiều mô hình hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo phát huy hiệu quả, giúp các hộ có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Qua kết quả điều tra hộ nghèo trên địa bàn, chính quyền địa phương xác định rõ nguyên nhân nghèo như: các hộ có trình độ còn hạn chế, chưa biết cách làm ăn, thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất, một số hộ có lao động nhưng không có việc làm, có người ốm đau thường xuyên, thậm chí, một số hộ còn lười lao động, trông chờ, ỷ lại… Từ đó, xây dựng chương trình, có biện pháp cũng như kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Tùy vào điều kiện thực tế của từng hộ nghèo mà có mô hình hỗ trợ sinh kế phù hợp, thiết thực.
Nhờ nuôi dê, hộ chị Lữ Thị Kim Xuyến (buôn Dhung, xã Ea M’droh) đã thoát nghèo. |
Ea M’droh là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm hơn 26% so với đầu năm 2016. Hiện toàn xã còn 132 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,3%. Trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 117 hộ, chiếm 88,6% trong tổng số hộ nghèo.
Gia đình chị Lữ Thị Kim Xuyến (buôn Dhung) là một trong những hộ nghèo biết tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên. Trước năm 2018, do đất đai ít, vợ chồng chị Xuyến phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày và nuôi vài con dê để cải thiện thu nhập. Năm 2018, gia đình chị được xã cấp cho một con bò cái sinh sản theo mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò cái sinh sản cho hộ nghèo”.
Được chăm sóc kỹ nhưng bò vẫn phát triển kém do không phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình. Vốn có nghề nuôi dê, chị đã mạnh dạn đề nghị bán bò giống được hỗ trợ để có vốn mua 2 con dê cái sinh sản, 2 con dê con bổ sung vào đàn dê hiện có của gia đình. Với kinh nghiệm 7 năm nuôi dê, chị đã nhân rộng hiệu quả mô hình chăn nuôi. Cuối năm 2019, gia đình chị Xuyến thoát nghèo. Hiện đàn dê 35 con sinh trưởng tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương có vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Thông qua tổ vay vốn của Hội Cựu chiến binh xã, gia đình chị Nguyễn Thị Sêm ở thôn Thác Đá, xã Ea Kuêh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với nguồn vốn vay 40 triệu đồng từ năm 2016, chị đã đầu tư chăm sóc gần 1 ha cà phê và nuôi thêm bò, heo, gà. Mấy năm qua, nhờ được chăm sóc tốt, vườn cây đem lại thu nhập đáng kể, việc chăn nuôi cũng tăng thêm nguồn thu và còn tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng. Đời sống của gia đình chị ngày càng khấm khá với thu nhập hơn 140 triệu đồng/năm. Năm 2019, hộ chị Sêm được công nhận thoát nghèo.
Các đoàn thể huyện Cư M'gar vận động kinh phí xây nhà tặng hộ nghèo Bàn Sồi Lâm tại buôn Dao, xã Ea Kuêh. |
Để tập trung giảm nghèo và giúp công tác này đạt kết quả cao nhất, huyện Cư M’gar đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng đa dạng hóa việc huy động nhiều nguồn lực như: lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; vốn ngân sách địa phương cân đối; vốn huy động cộng đồng và doanh nghiệp… Đẩy mạnh các hoạt động kết nghĩa, triển khai sâu rộng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất và giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, triển khai dự án chăn nuôi bò thịt, nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận vốn vay, phát triển sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2020, đã có 2.952 lượt hộ nghèo trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với tổng số tiền trên 89 tỷ đồng; hơn 45.000 người nghèo được cấp bảo hiểm y tế; trên 1,44 tỷ đồng miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên. Đối với các chính sách an sinh xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 500 hộ nghèo theo Chương trình 167 giai đoạn 2 của Chính phủ với tổng kinh phí trên 26,6 tỷ đồng; có 1.025 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết việc làm cho trên 11.600 lao động.
Tính đến đầu năm 2020, huyện Cư M’gar còn 1.601 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,82%, giảm 2.468 hộ so với đầu năm 2016; tổng số hộ cận nghèo 3.474 hộ, chiếm tỷ lệ 8,29%. Các xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh là: Cuôr Đăng, Quảng Tiến, Ea M'droh… |
Ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M'gar cho biết, về lâu dài, huyện đang tích cực triển khai những chính sách như tạo công ăn việc làm, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để bảo đảm công tác thoát nghèo bền vững. Bên cạnh việc tranh thủ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, tận dụng nội lực của địa phương, huyện cũng sẽ chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất, tư duy kinh tế của bản thân hộ nghèo, cận nghèo…
Đến cuối năm 2020, huyện Cư M’gar hướng tới chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn trên 2%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 3%.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc