Multimedia Đọc Báo in

Có nghề, lao động nông thôn thoát nghèo

08:41, 26/11/2020

Nhờ được đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn đã có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định. Từ những hộ khó khăn, họ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Nuôi lợn an toàn giữa “bão” dịch

Năm 2000, vợ chồng anh Lê Đình Kế (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) bắt đầu chăn nuôi lợn, với 5 lợn nái, 30 con lợn thịt theo cách truyền thống. Chỉ chừng ấy con lợn, nhưng vợ chồng rất vất vả mà thu nhập vẫn không cao; chưa kể do không biết cách phòng bệnh, chữa bệnh cho lợn nên khi xảy ra dịch đã bị thiệt hại kinh tế. Những hạn chế trong chăn nuôi đã được anh Kế khắc phục sau khi tham gia lớp học chăn nuôi thú y do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức vào tháng 2-2012. Anh được tiếp thu những kiến thức bổ ích về chăn nuôi, như: thiết kế, xây dựng chuồng trại đúng yêu cầu kỹ thuật; lựa chọn con giống chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất; phối trộn thức ăn đủ thành phần dinh dưỡng theo giai đoạn phát triển của vật nuôi; chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi phát triển, nâng cao năng suất; công tác phòng bệnh, vệ sinh phòng bệnh, điều trị các bệnh thường gặp trên lợn…

Sau khóa học, anh Kế mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng chuồng trại, với quy mô 2.000 m2 để nuôi 40 con lợn nái, 700 con lợn thịt; hệ thống ăn, uống tự động hóa, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhờ áp dụng kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh, từ năm 2013 đến nay, thu nhập bình quân từ chăn nuôi lợn của gia đình anh Kế mỗi năm được từ 700 - 800 triệu đồng.

Anh Lê Đình Kế ở thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Hoàng Ân
Anh Lê Đình Kế ở thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Hoàng Ân

Đặc biệt, nhờ “bắt bệnh” kịp thời và áp dụng phòng bệnh đúng cách nên trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi diễn biến khó lường trên địa bàn xã Ea Nuôl thì trang trại lợn của gia đình anh Kế vẫn an toàn.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Kế đã chia sẻ kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông hộ trên địa bàn xã để cùng phát triển chăn nuôi. Riêng tổ chăn nuôi của thôn Tân Phú do anh Kế làm tổ trưởng mỗi năm xuất bán 4.000 con lợn thịt. “Đàn lợn được kiểm soát chặt chẽ, tiêm phòng, quản lý dịch bệnh với lý lịch của từng con, bảo đảm đến khi thành lợn thương phẩm. Nuôi lợn thời công nghệ nhẹ nhàng hơn nhiều”, anh Kế cho hay.

"Sống" được với nghề dệt truyền thống

Gia đình chị H’Bưr Niê ở buôn Phơng, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) có 4 người, trước đây công việc không ổn định nên kinh tế eo hẹp.

Thông qua Chi hội Phụ nữ buôn, chị H’Bưr được giới thiệu học lớp dạy nghề dệt thổ cẩm. Trong 3 tháng học nghề, chị  được tìm hiểu về nguyên liệu, dụng cụ, màu sắc, hoa văn đặc trưng, thực hành dệt những sản phẩm dễ tiêu thụ như: khăn choàng cổ, dệt vải khổ rộng, áo nam, áo nữ, váy, túi đeo vai, túi đựng điện thoại, ví nữ…

“Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, từ nhỏ tôi đã được mẹ truyền dạy nhưng chỉ dệt váy áo đơn giản để mọi người trong gia đình sử dụng. Qua lớp đào tạo nghề, tôi được học thêm kỹ thuật phối màu, pha vải để may những sản phẩm đa dạng, đẹp hơn, mang tính thời trang, đặc biệt là học được cách tiếp thị sản phẩm tới tay khách du lịch”, chị H’Bưr chia sẻ.

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Xuân
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Xuân

Khi tay nghề đã thuần thục, năm 2018 chị H’Bưr cùng một số lao động nữ có nghề dệt ở xã Ea Tul đã mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt truyền thống Êđê như: áo váy, túi xách, ví, khăn…

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Tổ hợp tác đã kết nối và quảng bá sản phẩm ở các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh trong và ngoài địa phương. Để sản phẩm dệt thủ công ngày càng thu hút khách hàng, chị H’Bưr liên tục sáng tạo các đường nét, hoa văn độc đáo như hình nhà sàn, con chim, chữ viết... trên mỗi sản phẩm. Những bộ váy áo thổ cẩm kiểu dáng hiện đại, tấm khăn địu, túi xách, ví cầm tay được nhiều người đặt mua.

Hiện mỗi tháng chị H’Bưr làm ra từ 15 - 20 sản phẩm, có giá bán từ 200.000 - 1,4 triệu đồng/sản phẩm. Hiện nay, ngoài làm thuê thời vụ, mỗi tháng chị H’Bưr đã có thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng từ nghề dệt nhờ tranh thủ dệt vào buổi tối, hoặc những lúc nông nhàn.

Làm giàu từ nghề xây dựng

Anh Phạm Văn Tăng (SN 1981, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) làm nghề xây dựng được 10 năm nhưng chỉ là lao động phổ thông. Năm 2010, anh đăng ký học lớp nghề xây dựng tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana với mong muốn nâng cao tay nghề. Hơn cả mong đợi, hoàn thành khóa học nghề, không những tay nghề được nâng cao mà anh Tăng còn đọc được các bản vẽ, kỹ năng tính toán vật liệu xây dựng. Từ đó, anh tự tin hơn, mạnh dạn thành lập một nhóm thợ xây dựng, chủ động nhận thầu các công trình trên địa bàn.

Ban đầu, nhiều người còn hoài nghi về tay nghề nên chưa dám thuê nhóm thợ của anh Tăng. Không vội vàng, anh Tăng nhận xây các công trình nhỏ, dần dần "tiếng lành đồn xa", hiện nhóm thợ của anh Tăng đã nhận được các công trình biệt thự, nhà vườn…

Nhóm thợ của anh có từ 15 - 20 người, tùy thời điểm, trong đó 50% là lao động người dân tộc thiểu số; trung bình thu nhập khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Anh chia sẻ: “Tôi yêu cầu những người trong nhóm phải học một lớp dạy nghề xây dựng nhằm nâng cao tay nghề, đọc được bản vẽ xây dựng để cả nhóm tự tin nhận những công trình khó hơn. Đến nay, 3 thợ cả trong nhóm đã có chứng chỉ học nghề, các thợ khác hầu hết đã lành nghề, đang sắp xếp để học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana”.

Anh Phạm Văn Tăng (thị trấn Buôn Trấp) hướng dẫn thợ làm việc. Ảnh: T.Dung
Anh Phạm Văn Tăng (thị trấn Buôn Trấp) hướng dẫn thợ làm việc. Ảnh: Thùy Dung

Hơn 20 năm làm nghề, 10 năm đứng ra nhận thầu xây dựng, đến nay anh Tăng đã tạo lập được chữ tín trong nghề, có thời điểm cùng lúc nhận được 3 công trình xây dựng trên địa bàn huyện. Năm 2012, khi bắt đầu nhận thầu được nhiều công trình xây dựng, anh Tăng mở cửa hàng vật liệu xây dựng Tân Quyên để chủ động cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình.

Anh thuê thêm 2 nhân công làm việc tại cửa hàng và vận chuyển vật liệu tới các công trình. Năm 2018, khi nhu cầu sử dụng đá hoa cương để lát nền, đóng bếp tăng mạnh, anh Tăng cùng bạn mở thêm xưởng đá hoa cương. Năng động, nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, trung bình mỗi năm doanh thu của gia đình anh Tăng lên tới 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Hoàng Thùy Dung

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.