Huyện Krông Năng giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động
Thời gian qua, xuất khẩu lao động đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Krông Năng, nâng cao thu nhập của người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từng vay nợ 600 triệu đồng để đầu tư trồng 2,5 ha tiêu, cà phê, nhưng mấy năm trở lại đây nông sản rớt giá, nguồn thu không đủ bù khoản chi phí đầu tư khiến gia đình ông Nguyễn Trung Cánh (thôn Tam Đồng, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) rơi vào cảnh nợ chồng nợ.
Năm 2019, trước những khó khăn của gia đình, ông Cánh đã mạnh dạn vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để làm các thủ tục cho hai con gái đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
Đến nay, sau một năm rưỡi đi lao động ở nước ngoài, hai người con của ông Cánh đã gửi về nhà khoảng 500 triệu đồng. Số tiền này, ông dự định sẽ thanh toán hết các khoản vay đầu tư chi phí cho hai con đi xuất khẩu lao động trước đó, số còn lại dành dụm để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Ông Cánh bộc bạch: “Cũng nhờ chính sách của huyện, được NHCSXH cho vay vốn xuất khẩu lao động với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng, nên các con tôi đã có việc làm với thu nhập tương đối gửi về đều đặn, giúp gia đình giải quyết khó khăn trước mắt và có chút dành dụm để khi về nước có vốn liếng làm ăn".
Ông Nguyễn Trung Cánh (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) chăm sóc vườn cây. |
Không chỉ gia đình ông Cánh, thời gian qua, chương trình xuất khẩu lao động cũng đã và đang làm thay đổi đời sống của nhiều gia đình khác ở địa phương. Krông Năng là một trong những huyện vùng sâu của tỉnh, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một trong những vấn đề cơ bản được cơ quan chức năng của huyện chú trọng là giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó quan tâm đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực, uy tín thực hiện tư vấn, tuyển lao động và lựa chọn thị trường có việc làm, thu nhập ổn định để đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ vậy, nhiều lao động trên địa bàn huyện đã có cơ hội tìm được việc làm với thu nhập ổn định.
Năm 2020, tổng nguồn vốn được giao cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng là hơn 354,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 337 tỷ và vốn cân đối tại địa phương gần 17,7 tỷ đồng.
|
Theo báo cáo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều nguồn vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi đã đến với các hộ có nhu cầu vốn, phát huy hiệu quả, trong đó đáng chú ý là vốn hỗ trợ tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm, vốn cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong 10 tháng năm 2020, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng đã giải quyết cho 184 lượt hộ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn vay đi lao động ở nước ngoài, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên số hộ có nhu cầu vay giảm nhiều so với những năm trước đó.
Dù số lượng ít, song đến thời điểm hiện tại, các trường hợp được tiếp cận nguồn vốn vay xuất khẩu lao động thông qua Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đều có nguồn thu nhập ổn định. Những lao động này, sau khi trở về sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và trở thành những nhân tố tích cực trong đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tổ công tác Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng. |
Ông Mai Văn Trâm, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng cho biết, thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đơn vị sẽ tăng cường phổ biến về chương trình chính sách tín dụng đến các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và hộ vay vốn.
Đồng thời, sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho nông dân vay vốn, kết hợp lồng ghép các chương trình dự án để giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, góp phần tăng thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn.
Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo và kiểm tra giám sát về hoạt động cũng như hiệu quả tín dụng ưu đãi trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo ban tự quản thôn, buôn, tổ dân phố tham gia tích cực trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu bình xét cho vay, phối hợp kiểm tra mục đích sử dụng vốn, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn…
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc