Multimedia Đọc Báo in

Khởi động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021

08:42, 19/11/2020

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam không còn là “sân chơi” cho những ai đam mê tìm kiếm hương vị độc đáo từ quả cà phê mà còn là nơi cho ra đời những dòng cà phê có giá trị cao nhất để khẳng định tên tuổi Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.

Kết quả bước đầu

Tháng 10-2018, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ nhất được khởi động, thu hút 31 đơn vị tham gia, với 42 mẫu cà phê được sản xuất tại các vùng trồng cà phê trên cả nước. Kết quả vòng chung kết có 25 mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản, được công bố vào ngày 10-3-2019 tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6.

Cuộc thi và các hoạt động liên quan thực sự là điểm nhấn mới của Lễ hội, được sự quan tâm, đánh giá cao không chỉ của những người sản xuất ra hạt cà phê mà của toàn thể cộng đồng ngành cà phê từ sản xuất đến tiêu dùng. Sản phẩm cà phê nhân đặc sản của Việt Nam cũng được giới thiệu đến các nhà rang xay trong và ngoài nước, đồng thời kết nối nhà sản xuất cà phê nhân đặc sản với các nhà rang xay và bước đầu đã tạo được giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một thời kỳ mới của ngành cà phê là Việt Nam chính thức phát triển cà phê đặc sản và hướng tới tham gia thị trường cà phê đặc sản thế giới.

Các đại biểu tìm hiểu về cà phê đặc sản tại buổi Lễ phát phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021.
Các đại biểu tìm hiểu về cà phê đặc sản tại buổi Lễ phát phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021.

Năm 2020, Cuộc thi Cà phê đặc sản lần thứ hai được khởi động vào dịp ra đời Chi hội Cà phê đặc sản. Nhờ đó số lượng các đơn vị tham gia, số mẫu dự thi, sản lượng cà phê đặc sản tăng; hình thức tổ chức cải tiến, chú ý nhiều hơn đến hoạt động kết nối thương mại. Cụ thể có 36 đơn vị tham gia (tăng 5 đơn vị); số mẫu đăng ký là 53 (tăng 14 mẫu); số mẫu đạt là 38 (tăng 13 mẫu); tổng sản lượng cà phê đặc sản 59,9 tấn (tăng 31,6 tấn so với năm 2019). Điều này cho thấy những người làm cà phê ngày càng quan tâm hơn đến việc khẳng định chất lượng cà phê do mình làm ra, coi đó là một phương tiện giúp minh bạch hóa về chất lượng, thuận lợi hóa quá trình tham gia thị trường cà phê đặc sản.

Mỗi sản phẩm dự thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 phải có một bộ hồ sơ đi kèm gồm: Bản đăng ký dự thi; thuyết minh sản phẩm dự thi; hình ảnh lô sản phẩm đang lưu trữ và đã được niêm phong. Thời hạn đăng ký dự thi từ ngày 1 đến 15-3-2021. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố ngày 30-4-2021.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, 2 lần tổ chức Cuộc thi được xem như thành công là nhờ hình thành một cộng đồng ngày càng lớn mạnh và bước đầu có tổ chức đó là Chi hội Cà phê đặc sản (thuộc Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột) đã có tầm nhìn và những bước đi cẩn trọng, có chắt lọc những hoạt động thiết thực, có tính sáng tạo và chuyên nghiệp để tác động vào cả chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Hiệp hội đã tạo những điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho các hoạt động tạo nguồn cung cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Đó là hoạt động đào tạo được tổ chức bài bản với chi phí thấp nhất cho người sản xuất, ở đó người học được đào tạo chủ yếu các phương pháp có tính sáng tạo. Ngoài ra, còn được tiếp cận với những kỹ năng như: rang, thử nếm, pha chế và những kỹ năng cần thiết để biết đánh giá chất lượng cà phê do mình làm ra. Hiệp hội cũng hết sức chú ý đến hoạt động kết nối liên tục, đặc biệt ngoài hình thức kết nối trực tiếp, còn được nâng lên một bước là tạo sàn giao dịch cà phê đặc sản sẽ hoạt động thực sự từ cuộc thi lần thứ 3 tới.

Hướng tới tính chuyên nghiệp

Để tiếp nối thành công của 2 lần thi trước, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 chính thức được khởi động từ ngày 28-10-2020. Đây không còn đơn giản là “sân chơi” cho những người cùng đam mê mà là nơi kết nối đỉnh cao của giá trị cà phê cũng như kết nối ngành hàng, quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê đặc sản Việt Nam. Sự thành công của Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam đã đặt nền tảng để Việt Nam mạnh dạn hình thành chiến lược phát triển cà phê đặc sản với tầm nhìn và bước đi thích hợp nhằm góp phần cải thiện hình ảnh và vị thế chất lượng của cà phê Việt Nam trên thị trường ngoài nước.

Các đại biểu trải nghiệm thử nếm cà phê đặc sản tại buổi Lễ phát Phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021.
Các đại biểu trải nghiệm thử nếm cà phê đặc sản tại buổi Lễ phát Phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021.

Đối tượng tham gia Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 là các tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc trực tiếp liên kết với nông dân sản xuất cà phê đặc sản trên lãnh thổ Việt Nam. Sản phẩm dự thi là cà phê nhân Robusta hoặc Arabica, số lượng mẫu không hạn chế; lô sản phẩm gửi mẫu dự thi phải được sản xuất và chế biến trong niên vụ 2020 - 2021, với khối lượng tối thiểu 600 kg cà phê nhân. Những mẫu sản phẩm đạt chứng nhận Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 sẽ được tham gia các sự kiện liên quan đến cuộc thi; thông tin, thương hiệu và logo của đơn vị có mẫu dự thi đạt chứng nhận được truyền thông rộng rãi, đồng thời được cấp tài khoản đăng nhập trên Sàn Thương mại điện tử vietspecialtycoffee.com.

Ông Lê Đức Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, nét mới của cuộc thi lần này là Hiệp hội đã phối hợp cùng các đơn vị đồng hành tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp để cuộc thi có sức lan tỏa. Kết quả Cuộc thi sẽ đến được với người tiêu thụ, tới các hệ thống chuỗi cửa hàng nhiều hơn. Ngoài ra, thể lệ cuộc thi năm nay có một điểm mới là nếu điểm vào chung kết ở những năm trước đạt 80 điểm có thể được giám khảo nước ngoài chấm, nhưng năm nay đối với cà phê Robusta nâng lên là 81 điểm, Arabica xuất sắc hơn nữa là 82 điểm để tránh tư duy trước đây là cứ chạy theo số lượng mẫu, do đó việc đưa các chỉ tiêu chất lượng lên cao là cần thiết cho cuộc thi cà phê đặc sản lần này.

Minh Thuận - Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.