Multimedia Đọc Báo in

"Khơi thông" dòng vốn ODA

08:51, 09/11/2020

Hình thức đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là một nguồn lực quan trọng trong phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh thiếu nguồn vốn hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này thấp gây ra nhiều lãng phí, hệ lụy.

Tỷ lệ giải ngân vốn "khiêm tốn"

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn Trung ương năm 2020 của tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các dự án là hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu nguồn vốn ODA hơn 393,3 tỷ đồng. Đến ngày 28-10-2020 đã giải ngân hơn 849,9 tỷ đồng (bằng 57,15% kế hoạch); riêng vốn ODA giải ngân gần 142,5/393,3 tỷ đồng (bằng 36,22% kế hoạch), nếu tính số vốn còn lại sau khi điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ODA, tỷ lệ giải ngân đạt 40,37%.

Tình hình giải ngân vốn ODA đã có chuyển biến tích cực sau nhiều chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực triển khai của các địa phương. Tuy nhiên, mức giải ngân này vẫn còn "khiêm tốn", tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, nhất là đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi gây ra nhiều lãng phí, hệ lụy.

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thấp là do còn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện. Quy trình thủ tục quản lý, sử dụng vốn ODA của Chính phủ và nhà tài trợ chưa thật hài hòa, nhất là khác biệt trong công tác đấu thầu, quản lý tài chính giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ… làm mất nhiều thời gian trong công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, giải ngân các chương trình, dự án ODA.

Nhà thầu thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới một số hạng mục hồ Ea Kao  (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) có nguồn vốn ODA.    Ảnh: K.Lê
Nhà thầu thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới một số hạng mục hồ Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) có nguồn vốn ODA. 

Là đơn vị có số dự án ODA nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT được giao làm chủ đầu tư 4 dự án, gồm: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên (PRICHP); Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT); Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. Đến ngày 30-10-2020, đơn vị đã giải ngân được hơn 66,7 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 (bằng 77,4%) và giải ngân hơn 95,8 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bằng 45,5%).

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT lý giải: "Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các hoạt động triển khai chương trình, dự án chậm, thì tính chất đặc thù của các dự án ODA như: giải ngân theo kết quả đầu ra, kiểm soát chặt chẽ từ bước giải phóng mặt bằng đến quy định về chính sách an toàn cả tự nhiên lẫn xã hội, thủ tục giải ngân nhiều bước hơn dự án bình thường… nên mất nhiều thời gian".

Nỗ lực "khơi thông" dòng vốn

 
“Để giải ngân tối đa các khoản vốn ODA, vốn nước ngoài, các bộ, cơ quan, địa phương phải chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu và cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA…”
 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài ngày 29-10.

Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn nước ngoài nói riêng, ngày 4-8-2020 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh; trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể, hằng tuần báo cáo về khó khăn, vướng mắc, đề xuất UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ cho từng dự án.

UBND tỉnh cũng đã giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố làm Tổ trưởng Tổ giải phóng mặt bằng đối với các công trình tại địa phương và thành lập đoàn kiểm tra để đôn đốc từng công trình, từng chủ đầu tư.

Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan đến công trình, dự án đầu tư công phải xác định trách nhiệm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ để sớm đưa dự án vào triển khai, thi công.

Bên cạnh đó, kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án, công trình chậm giải ngân theo đề nghị của chủ đầu tư để bổ sung cho các công trình, dự án có kết quả giải ngân cao. Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân…

Riêng với các dự án ODA, vốn nước ngoài, tỉnh đã đề nghị Bộ Tài chính, các cơ quan chủ quản Trung ương đàm phán, làm việc với nhà tài trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục chuẩn bị đầu tư, rút ngắn thủ tục trong việc thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn nước ngoài.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. (Ảnh: chinhphu.vn)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. (Ảnh: chinhphu.vn)

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giúp dòng vốn ODA được “khơi thông”, tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài vào cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn kinh nghiệm của tỉnh Ninh Bình cho các địa phương khác học hỏi, đó là mỗi tháng họp HĐND tỉnh một lần để quyết định giá cả, quyết định chuyển vốn đầu tư…

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng chia sẻ kinh nghiệm đạt mức giải ngân cao nhất trong các bộ, cơ quan Trung ương 10 tháng năm 2020 với tỷ lệ 44,8% đó là phân công 5 thứ trưởng phụ trách, theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác giải ngân các dự án; xác định tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng vì “không có mặt bằng tức là không có gì”.

Bên cạnh đó, mỗi nhà tài trợ đều có cách làm riêng, quy định riêng, nên đối tác phía Việt Nam cần chủ động hợp tác chặt chẽ, tìm hiểu các quy định của họ để phối hợp giải quyết những nội dung, vấn đề chưa thống nhất. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả quản lý đội ngũ nhà thầu, nhấn mạnh tinh thần, trách nhiệm và uy tín của nhà thầu, kịp thời khen thưởng và có chế tài mạnh với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.

Khả Lê

 

“Để giải ngân tối đa các khoản vốn ODA, vốn nước ngoài, các bộ, cơ quan, địa phương phải chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu và cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA…”
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài ngày 29-10.

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.