Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động

08:41, 26/11/2020

Trong 10 năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ đã mở được 46 lớp dạy nghề cho 1.568 lao động nông thôn; trong đó, có 21 lớp nông nghiệp và 25 lớp phi nông nghiệp.

Xác định kinh tế địa phương chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ đã tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, phường. Trước khi mở các lớp dạy nghề, Trung tâm đã có công văn, cử cán bộ trực tiếp đến từng địa phương để khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân.

Cùng với đó, thông tin rõ nội dung, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với người tham gia học nghề, trực tiếp là Đề án 1956. Để nâng cao chất lượng đào tạo, giáo viên dạy nghề đã xuống tận các địa phương giảng dạy, giúp học viên tăng thêm thời gian thực hành, ứng dụng kiến thức trong quá trình sản xuất, chăn nuôi của gia đình. Với những kiến thức được học, cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn, nhiều lao động đã mạnh dạn phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả rõ rệt.

Cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ thăm mô hình phát triển  kinh tế của học viên ở xã Ea Siên.
Cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ thăm mô hình phát triển kinh tế của học viên ở xã Ea Siên.

Đơn cử như hộ bà Lộc Thị Dẻo (xã Ea Siên) đã chăn nuôi lợn gần 20 năm, nhưng nuôi với số lượng ít và theo cách truyền thống, gây ô nhiễm môi trường. Năm 2014, bà tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y, nhờ đó nắm được kỹ thuật và áp dụng hiệu quả vào việc nuôi đàn lợn của gia đình. Năm 2019, bà quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao ở xa khu dân cư, quy mô khoảng 600 con với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.

Trang trại có hệ thống phun sương hóa chất, lợn giống được chọn lọc bảo đảm tiêu chuẩn, nền chuồng nuôi cao ráo, hệ thống biogas duy trì nhiệt độ ổn định phù hợp; xung quanh trang trại còn trồng các loại cây xanh góp phần điều hòa không khí, tạo không gian thoáng mát. Tương tự, gia đình bà Lộc Thị Tẳm (xã Ea Siên) sau khi tham gia lớp học chăn nuôi lợn vào năm 2018 cũng đã mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lợn.

Bà Tẳm chia sẻ: “Sau khi tham gia khóa học, biết được kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng dịch bệnh..., tôi đã tự tin, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi thay vì phụ thuộc vào việc buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ như trước đây. Vừa qua, đàn lợn hơn 30 con của gia đình sinh trưởng tốt, bán được giá nên mang lại nguồn thu nhập khá cao. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng chuồng trại để phát triển đàn lợn lên khoảng 100 con”.

Đối với các nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, xây dựng dân dụng, sửa chữa máy móc, hàn điện..., để lao động có việc làm sau khi học nghề, Trung tâm đã ký kết hợp đồng cung cấp nguồn nhân lực nghề may công nghiệp với Công ty May Nhà Bè và Công ty May Tây Nguyên; cùng với đó, ký kết liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng nghề Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk để người dân có nhiều sự lựa chọn ngành nghề và cơ hội học tập tốt hơn.

Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của gia đình bà Lộc Thị Dẻo (xã Ea Siên).
Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của gia đình bà Lộc Thị Dẻo (xã Ea Siên).

Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ cho biết, đối với những lao động trẻ, những thanh niên mới tốt nghiệp THPT, Trung tâm sẽ hướng nghiệp theo những ngành phi nông nghiệp như: sửa chữa máy móc, hàn điện, may công nghiệp… Còn với lao động có khả năng tự tạo việc làm tại gia đình, có đất rẫy thì hướng đào tạo những nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ nhằm phát huy tốt lợi thế của địa phương. Cách làm linh hoạt của Trung tâm đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân nên thời gian qua, nhiều lao động đã sống được với nghề đã học, có việc làm ổn định, thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.