Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây mắc ca

11:06, 29/11/2020

Nhờ nhạy bén trong sản xuất, ông Ngô Quang Phương (thôn 9, xã Cư Bao, TX. Buôn Hồ) đã tạo ra nhiều sản phẩm từ mắc ca, phù hợp với xu hướng thị trường và mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Gia đình ông Phương có gần 1 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng tiêu, cà phê, nhưng qua nhiều năm thu hoạch, năng suất các loại cây trồng này ngày càng giảm. Mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, ông Phương đã tích cực tìm hiểu thông qua mạng Internet, sách, báo và nhận thấy cây mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, có giá trị kinh tế cao. Năm 2013, ông mạnh dạn chặt bỏ tiêu, cà phê và mua 300 cây giống mắc ca của Công ty Cổ phần Vina Macca tại TP. Buôn Ma Thuột về trồng trên diện tích đất nhà mình.

Ông  Ngô Quang Phương  (bên trái) giới thiệu về mô hình trồng mắc ca  của gia đình.
Ông Ngô Quang Phương (bên trái) giới thiệu về mô hình trồng mắc ca của gia đình.

Do thời điểm này cây mắc ca chưa phát triển tại địa phương nên kinh nghiệm chăm sóc của người dân còn hạn chế. Để phát triển thành công loại cây trồng này, ông Phương đã tham quan, học hỏi nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh. Sau ba năm cần cù chăm sóc, diện tích mắc ca của gia đình đã cho thu bói, đến năm thứ 6, mắc ca bắt đầu cho thu vụ chính. Trung bình mỗi năm ông thu hoạch được hơn 2,5 tấn quả tươi. Tuy nhiên, việc bán mắc ca tươi giá cả không ổn định, lợi nhuận thấp, trong khi thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… lại rất ưa chuộng sản phẩm mắc ca sấy khô. Do đó, để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, ông đã đầu tư máy sấy, máy tách hạt… và bắt đầu cho ra sản phẩm mắc ca sấy. Nhớ lại thời kỳ mới đưa hệ thống sấy vào hoạt động, ông Phương chia sẻ, do không nắm vững kỹ thuật, kiến thức sấy mắc ca nên nhiều lần thử nghiệm, ông đều thất bại. Sau mỗi lần thất bại, ông tự đúc rút kinh nghiệm để tìm được phương pháp sấy và cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Mắc ca do gia đình sản xuất có độ giòn, thơm ngon, đều và chắc hạt nên được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Hiện tại, mắc ca sấy của gia đình được bán với giá 180 – 220 nghìn đồng/kg, nhờ vậy ông lãi gần 400 triệu đồng/năm.

Không dừng lại ở sản phẩm mắc ca sấy, ông còn lựa những hạt nhỏ không đủ tiêu chuẩn sấy khô để ép lấy dầu, làm mỹ phẩm phục vụ nhu cầu làm đẹp của khách hàng. Một lít dầu mắc ca (được ép từ 7 – 8 kg sọ nhân), ông bán ra thị trường với giá 2 triệu đồng/lít, gia đình ông cũng có thêm nguồn thu nhập từ sản phẩm này.

Năm 2018, gia đình ông càng vui mừng hơn khi 171 cây mắc ca trong vườn đã được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam công nhận là cây đầu dòng, có thể sử dụng làm giống ghép. Trong đó, có 4 loại giống mắc ca là: A38; 246; 800 và QN có tỷ lệ nhân cao khoảng 33 – 36%, nên rất được ưa chuộng, những cây đầu dòng đều được treo bảng ghi rõ tên từng loại giống.

Sau khi được công nhận cây mắc ca đầu dòng, Công ty Cổ phần HD Đắk Lắk đã xuống thu mua cành giống của gia đình ông. Cành được thu mua phải khỏe mạnh, xanh tốt, có chiều dài khoảng 60 cm trở lên. Trung bình một năm công ty sẽ thu mua ba đợt, với tổng 1,5 tấn cành tươi. Gia đình ông bán với giá 450.000 đồng/kg cành. Chỉ tính riêng việc bán cành giống, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi thêm 400 triệu đồng/năm.

Theo ông Phương, yếu tố hàng đầu giúp gia đình ông sản xuất hiệu quả cây mắc ca là nhờ giống trồng. Vì tìm hiểu kỹ lưỡng và mua được loại giống mắc ca đạt chuẩn nên gia đình đã có những cây đầu dòng chất lượng cao, cho năng suất ổn định. Những cây này, sau khi thu hoạch cành, ông vẫn chăm sóc như các cây mắc ca khác, chủ yếu bón phân vi sinh, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Đồng thời, ông còn đào hố ở những khoảng trống giữa các cây để chôn lá mắc ca khô, tạo độ mùn, tơi xốp cho đất, giúp cây phát triển xanh tốt.

Từ thành công của gia đình, ông Phương đã nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật chăm sóc, kinh nghiệm trồng và cung cấp một số giống mắc ca cho người dân trong vùng. Mô hình sản xuất của gia đình ông đã góp phần tích cực vào sự chuyển đổi cây trồng ở địa phương, nhiều người dân đã chủ động trồng xen mắc ca vào vườn tiêu, cà phê, giúp tăng thu nhập trên một diện tích đất sản xuất.

Phương Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.