Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển như một lẽ tất yếu. Do đó tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển TMĐT trên địa bàn trong thời gian đến.
Thương mại điện tử “lên ngôi”
Tại Đắk Lắk, những năm gần đây TMĐT ở các doanh nghiệp (DN) được quan tâm đầu tư phát triển, từ hình thức quảng bá sản phẩm, kênh phân phối trên các website đến sàn giao dịch điện tử. Theo Sở Công thương, Đắk Lắk là tỉnh miền núi, tốc độ phát triển TMĐT còn chậm so với mặt bằng chung cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay cách thức mua sắm của người dân trên địa bàn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các mạng xã hội, công cụ bán hàng trực tuyến được người dân truy cập và giao dịch thường xuyên. Dễ thấy nhất là trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, việc mua bán hàng qua mạng trở thành nhu cầu cấp thiết hơn và phát huy tác dụng thấy rõ. Lượng khách đặt hàng trực tuyến tại kênh mua sắm là các siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh tăng đến 30% so với trước khi xảy ra dịch. Điều này phần nào cho thấy cơ hội xác định vai trò của TMĐT giữa khó khăn chung của nhiều ngành nghề. Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cũng tạo cơ hội mới cho các DN tham gia thị trường và giải quyết vấn đề tiêu thụ, bán hàng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn - An Thái (thuộc Tập đoàn Cà phê An Thái) cho hay, TMĐT giúp tiết kiệm nhiều chi phí thuê mặt bằng, nhân công và quảng bá, giúp tiếp cận sâu rộng hơn với các đối tượng khách hàng. Nhiều năm nay doanh nghiệp này chủ động xây dựng website riêng để quảng bá sản phẩm, bán hàng và mang lại nhiều kết quả thiết thực. Thời gian tới, An Thái sẽ chú trọng đẩy mạnh các kênh bán hàng qua mạng, cũng như cải thiện nội dung, hình ảnh bán hàng qua website…
Người tiêu dùng chọn mua hàng trực tuyến thông qua ứng dụng trên điện thoại. |
Theo thống kê, hiện có 15% DN của tỉnh có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên các thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 80% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 50% DN thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT. 100% siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cho phép người dùng thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử; 10% cá nhân, hộ gia đình ở TP. Buôn Ma Thuột sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm.
Tạo đà, phát huy thế mạnh của thương mại điện tử
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thiện hạ tầng pháp lý cho TMĐT theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định; phát triển hệ thống thanh toán TMĐT; các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, đặc biệt là loại hình TMĐT doanh nghiệp – người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân (G2C), Chính phủ - doanh nghiệp (G2B); thực hiện các biện pháp bảo đảm hạ tầng an toàn, an ninh cho TMĐT, chứng thực chứng từ điện tử và xử lý vi phạm trong TMĐT.
Để thúc đẩy TMĐT phát triển, tỉnh cũng có những định hướng giúp cơ quan quản lý nhà nước nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TMĐT; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hệ thống quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện vai trò quản lý nhà nước về TMĐT ở địa phương, Sở Công thương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến người dân và DN trên địa bàn hiểu rõ về TMĐT; tổ chức thực thi các quy đinh pháp luật liên quan đến TMĐT; xây dựng chương trình phát triển nhân lực cũng như hỗ trợ DN xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình sản xuất... Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ DN.
Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. |
Tuy nhiên, việc ứng dụng kinh doanh TMĐT ở Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều DN, hợp tác xã chưa xây dựng được website bán hàng. Đối với một số đơn vị đã xây dựng website rồi thì chưa phát huy hết tác dụng, phần lớn chỉ để quảng bá sản phẩm, trong khi hoạt động bán hàng trực tuyến, nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT còn hạn chế. Việc triển khai ứng dụng TMĐT của các DN chưa hiệu quả và chưa tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Trong khi đó, TMĐT là lĩnh vực mới, phát triển nhanh và khó quản lý, do đó, lĩnh vực bao quát rộng, chuyên môn quản lý thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.
Giai đoạn 2015 - 2020, có khoảng 5% dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến đạt khá cao; doanh số thương mại điện tử DN – người tiêu dùng (B2C) hằng năm tăng khoảng 10%/năm. |
Xác định TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, giai đoạn 2020 - 2025, Đắk Lắk đặt ra mục tiêu có 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 200 USD/người/năm; 60% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền hình chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng… Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh chú trọng phổ biến pháp luật về TMĐT, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT trong DN; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT… Sở Công thương cũng sẽ tích cực hỗ trợ DN tập huấn, cung cấp kỹ năng, công cụ để DN quản trị tốt nội dung, quảng bá, marketing hiệu quả đối với các website nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các DN của tỉnh.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc