Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nhãn hiệu nông sản huyện Krông Ana: Vẫn còn nhiều khó khăn

08:45, 25/11/2020

Những năm gần đây, huyện Krông Ana đang nỗ lực trong việc tạo lập và xây dựng nhãn hiệu đối với một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, còn nhiều nỗi lo trong quá trình thực hiện.

Đầu tháng 10-2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của cán bộ và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện trong việc khẳng định sản phẩm gạo uy tín, chất lượng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện Krông Ana từng bước xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương có sức cạnh tranh trên thị trường trong tỉnh và trong nước.

Lãnh đạo Huyện ủy Krông Ana tham quan nhà máy xay xát, đóng gói gạo của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh tại xã Bình Hòa.
Lãnh đạo Huyện ủy Krông Ana tham quan nhà máy xay xát, đóng gói gạo của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh tại xã Bình Hòa.

Đầu năm 2020, UBND huyện đã tổ chức công bố, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” để người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ các quyền lợi khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này. Qua đó, tuyên truyền vận động nông dân đổi mới phương thức sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, thực hiện các quy trình sản xuất đối với sản phẩm nhằm giữ vững và duy trì nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”. Bên cạnh đó, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và chế biến để tiêu thụ trên thị trường.

Với quyết tâm đưa sản phẩm gạo của huyện thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, qua hơn một năm nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, địa phương đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh mở hai lớp tập huấn, đào tạo xây dựng nhãn hiệu cho doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ, tìm kiếm đề xuất dự án khuyến công; hoàn chỉnh các thủ tục để cấp phép, sử dụng nhãn hiệu; quảng bá nhãn hiệu trên các phương tiện truyền thông; lựa chọn doanh nghiệp thí điểm sử dụng nhãn hiệu...

Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (xã Dur Kmăl) đang xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo an toàn, bền vững theo chuỗi giá trị sản xuất, với kinh phí 8 tỷ đồng. Đây được đánh giá là một trong những mô hình triển vọng để địa phương chọn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” trong thời gian tới.

Hiện nay, có một hợp tác xã (HTX) đã đăng ký sử dụng nhãn hiệu và được địa phương lựa chọn, đơn vị này cũng đã đầu tư dây chuyền xay xát gạo. Bên cạnh đó, hiện địa phương đang có định hướng xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất cho các HTX nông nghiệp, dịch vụ áp dụng sản xuất theo quy trình của chứng nhận nhãn hiệu để phục vụ việc sử dụng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tạo ra sản phẩm chất lượng, mở rộng thị trường chứ không chỉ chủ yếu dừng lại ở các tổ chức bán gạo nhỏ lẻ, chưa có chỗ đứng ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

Còn đối với sản phẩm nấm Krông Ana, với lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, khí hậu phù hợp nên nghề trồng nấm phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện. Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 200 hộ trồng nấm thường xuyên, một số hộ dân, HTX đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình trồng nấm. Nhiều năm qua, việc sản xuất nấm đã và đang đem lại thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm của gia đình, hằng năm người dân tham gia các lớp đào tạo về trồng, chăm sóc nấm. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ nấm Krông Ana phần lớn ở thị trường trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Cuối tháng 4-2020, huyện đã gửi hồ sơ về Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận công nhận nhãn hiệu “Nấm Krông Ana” và đang chờ xét duyệt. Theo ý kiến của các hộ và HTX trồng nấm trên địa bàn huyện, hiện nay đầu ra của sản phẩm này khá ổn định. Song khó khăn nhất đó là khâu vận chuyển đối với sản phẩm nấm tươi dùng để chế biến thực phẩm có chi phí cao nên lợi nhuận thu về khi bán cho thị trường ngoài tỉnh không cao.

Trồng nấm linh chi tại Hợp tác xã Nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana.
Trồng nấm linh chi tại Hợp tác xã Nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana.

Ông Trần Phước Ku Ba, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Ana khẳng định, việc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp của huyện là một định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh của sản phẩm, góp phần tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động tại chỗ…

Tuy nhiên, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận còn nhiều khó khăn, hạn chế như hoạt động tổ chức quản lý, khai thác giá trị thương hiệu uy tín trên thị trường chưa thực sự phát huy được hết giá trị so với tiềm năng. Đơn cử như sự hỗ trợ của Nhà nước về công tác quản lý, phát triển thị trường chưa nhiều; một số doanh nghiệp chưa “mặn mà” với hoạt động xây dựng, phát triển nhãn hiệu.

Ngoài ra, hoạt động quản lý nhãn hiệu chứng nhận là nhiệm vụ mới, trong khi công chức phụ trách tham mưu chưa có kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Để gạo, nấm Krông Ana thực sự là một sản phẩm có thương hiệu, uy tín đối với thị trường, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cần sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân trong quá trình sản xuất, chế biến để bảo đảm tiêu chí sạch và chất lượng.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.