Multimedia Đọc Báo in

"Bà đỡ" cho những hộ dân thoát nghèo

08:38, 23/12/2020

Những năm qua, thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trước đây, gia đình ông Bùi Văn Tường ở thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn thuộc diện hộ nghèo. Vợ bị tàn tật không có khả năng lao động, thiếu đất sản xuất lại không có vốn đầu tư phát triển kinh tế nên cuộc sống rất khó khăn.

Năm 2003, ông Tường được NHCSXH huyện cho vay 5 triệu đồng để mua bò giống và được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, khoa học, sau nhiều năm chăn nuôi, ông đã phát triển đàn bò lên 20 con. Năm 2017, thu nhập từ nuôi bò không những giúp gia đình ông trả hết nợ mà còn xây được ngôi nhà mới kiên cố, khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng. Có vốn trong tay, ông tiếp tục đầu tư hơn 20 triệu đồng mua bò giống lai sin để cải tạo chất lượng đàn bò.

Hiện tại, ông Tường đang nuôi 13 con bò sinh sản và chuẩn bị có thêm 7 bê con. Từ một hộ nghèo lâu năm, giờ đây ông Tường đã có cuộc sống ổn định với thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.  Ông Tường nhẩm tính: “Nếu chăm sóc tốt, đến cuối năm nay tôi sẽ bán đi 5 bê con thu về khoảng 70 triệu đồng. Số tiền này tôi sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp chuồng trại, nhân rộng con giống để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Cán bộ làm công tác giảm nghèo huyện Buôn Đôn tham quan mô hình trồng tiêu xen cà phê  cho hiệu quả kinh tế cao của người dân tại địa bàn.
Cán bộ làm công tác giảm nghèo huyện Buôn Đôn tham quan mô hình trồng tiêu xen cà phê cho hiệu quả kinh tế cao của người dân tại địa bàn.

Gia đình ông Tường chỉ là một trong những điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH. Đã có nhiều hộ thoát nghèo thông qua các mô hình: nuôi heo, nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả, buôn bán nhỏ từ nguồn vốn này. Năm 2016, gia đình anh Lê Ngọc Khoa ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl được vay 25 triệu đồng từ NHCSXH huyện để phát triển chăn nuôi. Lúc đầu, anh chỉ nuôi 7 con dê giống và sử dụng chuồng trại cũ để giảm bớt chi phí. Ở thời điểm đó, dê là nguồn thực phẩm được thị trường ưa chuộng nên có giá thành khá cao với mức 150.000 đồng/kg dê hơi, có lúc khan hiếm còn lên đến 180.000 đồng/kg. Sau 4 năm nuôi dê, anh đã trả hết nợ cũ và tiếp tục được NHCSXH huyện cho vay 40 triệu đồng để đẩy mạnh đầu tư. Hiện tại, anh Khoa đang nuôi 20 con dê mẹ cho sinh sản khoảng 30 dê con/năm. Riêng tiền bán dê thịt đã mang lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm .

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Buôn Đôn đạt mức 33 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tính đến cuối năm 2019 giảm còn 30,29%, giảm 15% so với năm 2016.

Với gia đình anh Nguyễn Văn Dương ở thôn Đại Đồng, xã Ea Nuôl thì vốn vay NHCSXH là cứu cánh giúp thoát nghèo bền vững. Năm 2013, gia đình anh Dương được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để chăn nuôi bò, trồng rau, cây ăn quả và cà phê. Thu nhập từ chăn nuôi bò cùng với số tiền tích cóp từ bán rau và thu hoạch cà phê giúp gia đình anh trả hết số nợ vào năm 2015. Sau đó, anh Dương lại tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng đầu tư nâng quy mô chăn nuôi, trồng trọt thành trang trại và trồng thêm gần 1 ha cà phê. Với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình anh Dương nay đã dần khấm khá, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Cán bộ làm công tác giảm nghèo huyện Buôn Đôn giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi của người dân trên địa bàn.
Cán bộ làm công tác giảm nghèo huyện Buôn Đôn giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi của người dân trên địa bàn.

Ông Võ Khắc Huy, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Buôn Đôn cho biết, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 9-2020, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Buôn Đôn là gần 320 tỷ đồng, trong đó, trên 68 tỷ đồng đã giải quyết cho 2.166 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay. Nguồn vốn này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, bảo đảm an sinh xã hội, giúp hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Hồng Chuyên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.