Đắk Lắk đã sẵn sàng bước vào "xa lộ" EVFTA (Kỳ 1)
Sau gần 15 năm bước vào "sân chơi" lớn toàn cầu WTO (năm 2006), đến nay Việt Nam đã có 13 FTA (Hiệp định Thương mại tự do) có hiệu lực. Quá trình “mở đường” kết nối
giao thương đưa nền kinh tế nước ta đến gần các thị trường tiềm năng quốc tế đầy chông gai, thử thách, trong đó có những “con đường hội nhập” mất đến cả chục năm xây dựng mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) là một điển hình. Trên “xa lộ” đó, Đắk Lắk cũng đang có những lộ trình chuẩn bị để sẵn sàng nhập cuộc.
Kỳ 1: Cơ hội và thách thức
Hiệp định EVFTA được Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 tuy mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các ngành hàng xuất khẩu tại Đắk Lắk. Để có thể bước vào “sân chơi” lớn này, đòi hỏi sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân - chủ của các vùng nguyên liệu.
Triển vọng lớn nhưng thách thức không nhỏ
Với cam kết xóa bỏ gần 100% biểu thuế quan, mở cửa thị trường trong thời gian ngắn, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là "cú hích lớn" cho tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam.
Đắk Lắk là tỉnh có lợi thế về các mặt hàng nông sản cùng với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 600 triệu USD/năm. Hiện Đắk Lắk có hơn 80 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó 22 doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu hằng năm tương đối lớn. Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản của Đắk Lắk, nhất là cà phê, lúa gạo và trái cây…
Doanh nghiệp Đắk Lắk ngày càng chú trọng đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất. |
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, khi Hiệp định EVFTA thực thi, mặc dù châu Âu là thị trường khó tính vì chuẩn mực hàng hóa cao với nhiều yêu cầu khắt khe, nhưng nếu sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn thì sản phẩm của Đắk Lắk có thể đi hầu hết các thị trường trên thế giới. Tức là lúc đó hàng hóa không còn bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào nữa. Đây chính là lợi thế thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất của Đắk Lắk chủ yếu nhỏ lẻ; chưa hiện đại hóa công nghệ. Do đó, để cạnh tranh và tham gia được thị trường EU cần phải có một loạt các điều chỉnh của chính sách trong nước. Trong đó, minh bạch hơn về chính sách xuất khẩu, về chuẩn mực hàng hóa; truy xuất nguồn gốc; mã vùng sản xuất; đóng gói, kiểm dịch thực vật; an toàn vệ sinh thực phẩm... Để đạt được những yêu cầu trên gần như doanh nghiệp phải hệ thống, xây dựng lại.
Thêm vào đó, tuy có nhiều lợi thế nhưng ngành nông nghiệp ở tỉnh ta chưa khai thác thực sự hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thấp, hàng nông sản chủ lực của địa phương chưa có thương hiệu mạnh. Sản phẩm xuất khẩu của Đắk Lắk chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu (sản phẩm thô). Quy mô công nghiệp nhỏ, giá trị sản xuất thấp và chủ yếu là công nghiệp địa phương. Chính vì vậy, sức cạnh tranh cũng là một trong những thách thức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.
Tận dụng tốt cơ hội do EVFTA mang lại
Theo đánh giá của Sở Công thương, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, Đắk Lắk đã từng bước vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả quan trọng trong các hoạt động thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là đã tiếp cận một số nhà tài trợ có tiềm năng như WB, ADB, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU: °Từ 1-8-2020: Xóa bỏ 85,6% số dòng thuế = 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. °7 năm sau: Xóa bỏ 99,2% số dòng thuế = 99,7% kim ngạch xuất khẩu ủa Việt Nam sang EU. |
Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây là nền tảng quan trọng để Đắk Lắk tiếp tục hội nhập sâu rộng, gia nhập thị trường châu Âu khi EVFTA có hiệu lực. Đơn cử như sản phẩm cà phê của Đắk Lắk chiếm khoảng 60 - 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trước khi EVFTA có hiệu lực thì trên 40% sản phẩm cà phê xuất khẩu đi thị trường châu Âu. Để đạt được điều này thì ngành cà phê đã vào cuộc từ rất sớm như đăng ký bảo hộ, nhãn hiệu, thương hiệu tập thể ở châu Âu. Nhờ đó, trong số 38 nông sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ dưới hình thức Chỉ dẫn địa lý tại EU thì có “Buôn Ma Thuột Coffee”. Hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại thị trường Nhật Bản, EU (tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ của EU). Đây chính là nền tảng quan trọng cho ngành cà phê hội nhập.
Nông nghiệp Đắk Lắk trong những năm gần đây luôn thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia nước ngoài. Trong ảnh: Chuyên gia Úc thăm và khảo sát tại trang trại bơ Trịnh Mười (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Huỳnh Ngọc Dương cho rằng: "Để khai thác hiệu quả lớn từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản. Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh".
Hàng hóa của Đắk Lắk xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là đã thâm nhập được vào các thị trường lớn với yêu cầu chất lượng hàng hóa và vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt như thị trường Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp… Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 2.935 triệu USD, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 650 triệu USD. Thị trường EU hiện nay chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. |
(Còn nữa)
Lê Hương - Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc