Multimedia Đọc Báo in

Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn

08:30, 04/12/2020

Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp ở thôn Mới, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) ra đời với mục tiêu cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, người trồng rau nơi đây vẫn đang chìm trong nỗi lo “được mùa mất giá” và loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

HTX sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp được thành lập vào năm 2017, tổng nguồn vốn hoạt động đến giữa năm 2020 là trên 2,6 tỷ đồng. HTX hiện có 16 thành viên, với 30 lao động thời vụ. Tổng diện tích canh tác gần 20 ha, trong đó có 9,1 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng dự kiến đối với sản phẩm được chứng nhận VietGAP là 100 tấn/năm.

Thành viên HTX sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp chăm sóc cây trồng.
Thành viên HTX sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp chăm sóc cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Kiều Kim Thoa, Phó Giám đốc HTX cho biết, tham gia HTX, các hộ nông dân đều áp dụng kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng phân bón hợp lý, chỉ dùng phân hữu cơ, phân xanh; ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công, thuốc thảo mộc, hóa học cần thiết để phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm rau, quả đưa ra thị trường đều an toàn. Người dân cũng thực hiện sổ nhật ký gieo trồng nhằm theo sát công đoạn sản xuất từ lúc làm đất, gieo hạt, chăm sóc, bón phân để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sau 4 năm đi vào hoạt động, HTX đã hình thành được chuỗi giá trị cung cấp các loại rau, quả bảo đảm an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, dịch vụ bán hàng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng cũng là ưu tiên hàng đầu của HTX.

Thời điểm mới thành lập, nhờ thời tiết thuận lợi và đầu ra ổn định nên thu nhập từ trồng rau an toàn mang lại lợi nhuận cao với mức 10 triệu đồng/người/tháng khiến người dân vô cùng phấn khởi. Thậm chí, nhiều người còn thuê đất ở vùng lân cận để mở rộng diện tích trồng rau và thu hút lao động thời vụ thực hiện các công đoạn như thu hoạch, phân loại, cắt tỉa làm sạch và đóng gói để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm chủ lực của HTX sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp là dưa, hấu, bắp cải và cà chua vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.
Sản phẩm chủ lực của HTX sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp là dưa, hấu, bắp cải và cà chua vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.
 
"Việc liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên nên tính bền vững không cao. Nhiều thành viên HTX phải đem rau, quả sạch chuẩn VietGAP ra chợ bán với giá như các loại rau bình thường, mặc dù sản phẩm tuân thủ quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt".
 
Phó Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp Nguyễn Thị Kiều Kim Thoa

Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu cùng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, HTX gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Các loại củ, quả rớt giá khiến người dân lao đao. HTX có hơn 50% diện tích trồng dưa hấu, và loại quả này luôn ở trong tình trạng nằm vườn chờ “giải cứu” với giá chưa tới 2.000 đồng/kg. Ở thời điểm hiện tại, thu nhập của hội viên HTX chỉ ở mức 3 triệu đồng/người/tháng.

Việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm VietGAP của HTX đến nay vẫn là bài toán nan giải. HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần sản xuất dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên tiêu thụ các sản phẩm: cà chua, bắp cải, dưa hấu với sản lượng trên 200 tấn… Bên cạnh đó, HTX cũng thường xuyên tham gia giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm của đơn vị thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và một số kênh tiêu thụ nhỏ khác.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin, sản xuất nông nghiệp hiện đang chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế của huyện, vì vậy việc chọn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được xem là hướng phát triển phù hợp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. HTX sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp ra đời đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả sạch. Tuy nhiên, hiện nay HTX mới chỉ tập trung sản xuất chứ chưa chú trọng đến việc xây dựng một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong khi đó, để tháo gỡ "bài toán" đầu ra cho rau an toàn cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn, tổ chức tham quan mô hình, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP rộng rãi cho người dân.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.