Những ý tưởng sáng tạo của giới trẻ
Độc đáo ống hút từ hạt bơ
Dù tuổi đời còn khá trẻ, từ 15 - 17 tuổi, nhưng nhóm học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt đã chế tạo được loại ống hút xanh, thân thiện với người dùng và bảo vệ môi trường (Green and User-friendly Solution to Safeguard the Environment - viết tắt là GUSSE) từ hạt bơ.
Nhóm học sinh gồm 4 thành viên đam mê nghiên cứu khoa học trong đó có 3 em học lớp 12 là Bùi Thị Thanh Mai, Hoàng Thân Tưởng, Nguyễn Viết Sơn và em Nguyễn Thị Hồng Hân mới chỉ học lớp 10. Chia sẻ về ý tưởng chế tạo ống hút từ hạt bơ, em Bùi Thị Thanh Mai bày tỏ: “Trong khi cả thế giới đang kêu gọi hạn chế rác thải nhựa mà ở địa phương lại sẵn có những nguồn nguyên liệu tự nhiên có thể chế tạo được ống hút, vật dụng được sử dụng hằng ngày nên chúng em đã cùng nhau nghiên cứu và thử nghiệm với hạt bơ”.
Nhóm học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt nghiên cứu sản phẩm ống hút từ hạt bơ. |
Thay vì vứt bỏ hạt bơ, nhóm nghiên cứu Dự án GUSSE đã thu mua hạt bơ tươi, sau đó sơ chế nhằm loại bỏ vị đắng và phơi khô, xay thành bột. Sau khi pha trộn các nguyên liệu gồm: bột hạt bơ, bột gạo, màu tự nhiên và nước theo công thức nhất định, hỗn hợp được đưa vào máy ép để định hình ống hút và mang đi hấp qua lồng hấp nhiệt bằng hơi nước nhằm tăng độ kết dính của nguyên liệu và đảm bảo độ bền cho sản phẩm. Ống hút sau khi hấp được mang đi sấy khô, sau đó đóng gói và bảo quản. Sản phẩm có thể sử dụng trong các loại nước uống khoảng 2 – 3 giờ và có hạn sử dụng lên tới 12 tháng kể từ ngày sản xuất. Đặc biệt, sau khi sử dụng, ống hút từ hạt bơ có thể ăn được hoặc phân hủy hoàn toàn trong khoảng 2 - 3 tháng nếu loại bỏ ra môi trường. Theo nhóm nghiên cứu Dự án GUSSE, với đặc tính là dùng một lần nên ống hút từ hạt bơ sẽ hạn chế được thời gian và chi phí trong khâu vệ sinh, cọ rửa, làm sạch sản phẩm như ống hút inox, ống hút tre… Đồng thời, dưới sự hỗ trợ của các thầy cô trong trường, sản phẩm của các em được đóng gói trong bao bì phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng: loại hộp nhỏ, chứa 10 ống dành cho hộ gia đình hoặc mang đi du lịch, mỗi ống hút đều được đóng gói riêng từng chiếc, đảm bảo vệ sinh khi sử dụng. Loại túi 500 gram có khoảng 120 ống phù hợp cho các căn - tin, quán cà phê, sinh tố, trà sữa...
Cô Lê Thị Hoàng Phương, giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt, người trực tiếp hướng dẫn nhóm học sinh thực hiện Dự án đánh giá, sản phẩm của các em chế tạo ra mang ý nghĩa thực tiễn, phù hợp với xu hướng sống xanh trên thế giới hiện nay, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần của nhiều người. Đây cũng là hướng sử dụng hợp lý cho nguồn hạt bơ phế phẩm chưa được tận dụng tại địa phương, đồng thời giúp nâng cao giá trị quả bơ trên thị trường.
Sinh viên tìm giải pháp... hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng
Năng động, dám nghĩ, dám làm, dám thử thách bản thân là những điều có thể thấy được trong Dự án Giải pháp tăng tốc doanh nghiệp SMEs của nhóm sinh viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học Tây Nguyên (VieSpee Solutions). Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn là tìm kiếm một môi trường, một công việc để có thể trải nghiệm, thực hành những kiến thức đã được học trên giảng đường, kết hợp với sự nhạy bén của tuổi trẻ, nhanh chóng bắt kịp xu hướng bán hàng, tiếp thị sản phẩm (marketing) thời đại 4.0, các em đã cùng nhau nghiên cứu, xây dựng dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khâu bán hàng và marketing. Em Nguyễn Đức Nghĩa, đồng sáng lập Dự án chia sẻ: “Để có thể hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, VieSpee Solutions xây dựng giải pháp marketing hoạt động cả trực tiếp (offline) lẫn qua mạng Internet (online), trong đó tập trung vào những nội dung chính như: hoạt náo, tổ chức các trò chơi nhỏ (minigame) tại cửa hàng và online, phát phiếu giảm giá, tờ rơi, phát trực tiếp (livestream) bán hàng… để giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng, tăng độ "phủ" của thương hiệu tại địa phương”.
Một hoạt động của Dự án Giải pháp tăng tốc doanh nghiệp SMEs tại Đường sách cà phê (TP. Buôn Ma Thuột). |
Với việc cung cấp các dịch vụ bán hàng một cách linh hoạt, tiết kiệm và ứng dụng công nghệ, nhân sự mà VieSpee Solutions đang sở hữu chính thức gồm 8 thành viên. Để có thể duy trì cho dự án “chạy thông suốt”, nhóm còn tuyển cộng tác viên thường xuyên là những bạn sinh viên có nhu cầu làm thêm. VieSpee Solutions hướng đến đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, giáo dục, thời trang và làm đẹp có nhu cầu gia tăng sự thu hút đối với khách hàng. Dù mới thành lập từ tháng 7-2020 nhưng đến nay VieSpee Solutions đã tổ chức được khá nhiều sự kiện chẳng hạn như talkshow “Dám suy nghĩ khác, dám hành động khác” do Chuỗi cửa hàng thời trang Gumac tài trợ, talkshow do Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) tài trợ và hỗ trợ bán hàng cho Thương hiệu coffee&chocolate Miss Ede…
Để đưa dự án đi xa và vững hơn, trong thời gian tới, các thành viên của VieSpee Solutions định hướng sẽ tập trung tìm kiếm đối tác, song song với đó là phát triển hệ thống cộng tác viên để đáp ứng được nhu cầu công việc. VieSpee Solutions tự tin đặt ra mục tiêu đến hết năm 2021 sẽ đạt được 2.000 đơn hàng và 1.000 cộng tác viên. Với nhiệt huyết và sự năng động của tuổi trẻ, hy vọng con đường khởi nghiệp của các em sẽ rực lửa thành công từ những đam mê cháy bỏng đó.
Đam mê sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống cùng với niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, nhiều học sinh trên địa bàn huyện Cư Kuin đã chế tạo ra những sản phẩm có tính năng hữu dụng, phục vụ cuộc sống hằng ngày và thân thiện với môi trường.
Từ lâu nguồn nước ở thôn Thành Công, xã Hòa Hiệp bị nhiễm phèn nặng. Người dân chủ yếu làm nông, cuộc sống còn khó khăn, không có điều kiện trang bị các hệ thống lọc, cũng như chưa có nguồn nước máy thay thế nên vẫn phải dùng nước bị nhiễm phèn cho việc tắm giặt, ăn uống, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước thực tế đó, em Lê Công Kha (lớp 10A14, Trường THPT Y Jút) đã cùng bạn là Trần Thiên Dưỡng (lớp 10A2, Trường THPT Y Jút) ấp ủ ý tưởng thiết kế một hệ thống lọc nước bị nhiễm phèn cho ra nguồn nước sạch, có độ tinh khiết cao với cấu tạo đơn giản, dễ lắp đặt và có giá thành thấp. Sau 6 tháng tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet, vận dụng kiến thức đã được học kết hợp với thử nghiệm nhiều lần, hai em đã chế tạo thành công sản phẩm “Hệ thống lọc nước bị nhiễm phèn dùng trong sinh hoạt gia đình”.
Hệ thống lọc nước nhiễm phèn do hai em Lê Công Kha và Trần Thiên Dưỡng chế tạo. |
Hệ thống lọc nước có cấu tạo khá đơn giản gồm: cột lọc được làm từ ống nhựa PVC đường kính 107 mm, vật liệu lọc (cát, sỏi thạch anh trắng, cát manga, than hoạt tính), van khóa và giá đỡ bằng sắt, dựa trên nguyên lý áp lực của nước, sau khi nước từ bồn chứa chảy qua hệ thống lọc thì các tạp chất bẩn bị giữ lại và bị đẩy ra ngoài qua van xả cặn giúp nước trở nên sạch hơn, không còn mùi tanh. Đặc biệt, hàm lượng sắt tổng giảm một cách rõ rệt từ chỉ số ban đầu là 0,68 mg/lít sau khi qua lọc chỉ còn 0,074 mg/lít thấp hơn so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt hàm lượng sắt tổng an toàn.
Theo em Kha, nếu người dân lọc nước bằng cách xây bể chứa thì cần một lượng lớn vật liệu lọc, việc vệ sinh cũng rất vất vả hoặc lựa chọn các sản phẩm lọc nước hiện đại có ngoài thị trường thì giá thành cao, dễ bị hư hỏng các bộ phận do bụi bẩn. Còn đối với hệ thống lọc nước này không tiêu tốn điện năng, tự động vệ sinh, sục rửa vật liệu lọc khi cần thiết, chi phí lắp đặt thấp, chỉ 1.320.000 đồng lại có độ bền cao lên đến 3 năm, nên phù hợp với điều kiện với nhiều hộ dân.
Với những ưu điểm và hiệu quả mà sản phẩm mang lại, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Hòa Hiệp đã tiến hành lắp đặt hệ thống lọc nước này để phục vụ cho việc sinh hoạt hằng ngày.
Cũng sáng tạo để giải quyết vấn đề thực tế, hai em Lương Hoàng Quân (lớp 10, Trường THPT Việt Đức) và Hồ Thế Anh (lớp 9D, Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm) đã tận dụng những chiếc lốp xe, thùng sơn nhựa bỏ đi để làm nên chiếc máng ăn tự động cho gia cầm có khả năng chống chuột.
Nói về lý do tạo ra sản phẩm, em Quân chia sẻ: “Từ thực tiễn chăn nuôi của gia đình, ngày nào bố mẹ em cũng phải cho gia cầm ăn, không dám để thức ăn dư qua đêm trong máng vì sợ chuột vào ăn, thải phân và nước tiểu truyền bệnh cho vật nuôi, nên em đã bàn với bạn Anh tìm cách tạo ra một chiếc máng ăn có thể chứa được một lượng thức ăn đủ cho gia cầm ăn nhiều ngày, đồng thời có khả năng chống chuột, cảnh báo được thức ăn hết để bổ sung”.
Sản phẩm gồm ba bộ phận chính là máng ăn làm bằng lốp cao su cũ, thùng chứa thức ăn, thiết bị điều khiển tự động (cảm biến hồng ngoại, rơle, đèn báo hoặc loa phát âm thanh). Chiếc máng hoạt động theo nguyên tắc đòn bẩy, thanh truyền động, hệ thống điện 12 vol để mắc đèn bóng đèn hoặc loa cảnh báo… Theo đó, thức ăn sẽ tự động chảy xuống máng, phát tín hiệu khi thức ăn trong thùng chứa hết; nắp đậy thức ăn sẽ tự động mở ra, đóng lại khi vật nuôi đến hoặc đi. Nhờ vậy, sản phẩm đã khắc phục được những hạn chế của các loại máng ăn gia cầm hiện nay, giúp giảm thời gian, sức lao động cho người nuôi; chống được chuột làm hao hụt thức ăn và lây truyền bệnh cho vật nuôi; có thể sử dụng rộng rãi cho các mô hình chăn nuôi gia cầm theo hình thức trang trại và thả vườn.
Trong thời gian tới, hai em sẽ tiếp tục nghiên cứu để lắp đặt thêm mạch điều khiển tự động chỉ mở, đậy máng ăn ban ngày và kiểm soát lượng thức ăn bằng điện thoại thông minh có kết nối wifi nhằm giúp việc chăn nuôi của người dân được thuận tiện hơn.
Khả Lê - Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc