Multimedia Đọc Báo in

Ổn định cuộc sống tại khu tái định cư Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng

06:22, 30/12/2020

Sau hơn một năm chuyển đến khu tái định cư số 1 (thôn 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar), cuộc sống của gần 40 hộ dân nơi đây đã từng bước ổn định, nhiều ngôi nhà khang trang, công trình kiên cố được xây dựng chào đón Xuân Tân Sửu 2021.

Từ trung tâm huyện Ea Kar, chúng tôi đến khu tái định cư số 1 thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Từ xa, nhìn bao quát cả khu tái định cư rộng lớn, những công trình có màu ngói đỏ chính là điểm Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, Trường Mầm non Tuổi thơ được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu học tập của con em các hộ dân khu tái định cư và người dân địa phương. Khi vào khu dân cư mới này, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà còn vương mùi ngói mới và hệ thống điện, đường, trường học đã được đầu tư bài bản.

Những ngôi nhà khang trang của các hộ dân tại khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).
Những ngôi nhà khang trang của các hộ dân tại khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang được xây dựng từ đầu năm 2020, thầy Nông Văn Khí, giáo viên Trường Tiểu học Trần Bình Trọng chia sẻ: "Gia đình tôi vào thôn 15 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) sinh sống từ năm 1987. Nơi ở cũ đất canh tác nhiều, song điều kiện sản xuất không thuận lợi, không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất, sản lượng thấp. Chưa kể, cơ sở hạ tầng không được đầu tư nên việc đi lại, giao thương hàng hóa khó khăn, cuộc sống gia đình tôi và nhiều hộ dân ở thôn 15 luôn trong tình trạng thiếu thốn". Cuối năm 2019, gia đình thầy Khí chuyển đến khu tái định cư số 1 để giao đất thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Đến khu tái định cư, gia đình thầy được giao 1,1 ha đất, trong đó có 1 sào đất ở, 5 sào đất trồng lúa và 5 sào đất trồng hoa màu. Thầy Khí cho hay, đến nay gia đình đã sản xuất được 3 vụ lúa, điều kiện sản xuất thuận lợi nên mỗi vụ gia đình thu về khoảng 4 tấn. Công việc của thầy ở khu tái định cư cũng thuận lợi hơn nhiều, nhà cách trường chỉ khoảng 500 mét, đường bê tông bằng phẳng nên dù nắng hay mưa cũng không lo lắng việc đến trường như trước đây.

Hợp phần bồi thường GPMB, di dân và tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng có tổng mức đầu tư gần 1.887 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường GPMB, hỗ trợ di dân hơn 1.270 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng vùng tái định cư hơn 487,5 tỷ đồng, còn lại các chi phí khác.

Cách nhà thầy Khí không xa là căn nhà mới khang trang của gia đình bà Hoàng Thị Chứa quê Lạng Sơn. Bà Chứa rất phấn khởi vì đó là ngôi nhà mơ ước bấy lâu nay của gia đình. Cuối năm 2019, gia đình bà và hơn 20 hộ dân tại thôn 15 (xã Cư Yang) rời nơi ở cũ chuyển đến khu tái định cư số 1 để triển khai Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Đến nơi ở mới, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm, gia đình bà Chứa dựng căn nhà tạm để sinh hoạt, khi cuộc sống ổn định, gia đình quyết định xây căn nhà mái Thái trị giá 400 triệu đồng. Bà Chứa chia sẻ thêm, với 5 sào đất canh tác lúa nước, mỗi vụ gia đình thu về khoảng 4 tấn lúa khô nên không lo thiếu lương thực. Hiện tại, mọi sinh hoạt, sản xuất của gia đình tại đây đã dần đi vào ổn định.

Một góc khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).
Một góc khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).

Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban A) cho biết, khu tái định cư số 1 thuộc hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), di dân và tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Khu tái định cư số 1 có tổng diện tích sau khi điều chỉnh hơn 370 ha. Trong đó, khu đất tái định cư 65 ha, gồm các hạng mục: đất công cộng; trường tiểu học, trường mẫu giáo; nhà văn hóa, sân thể thao; đất nhà ở tái định cư; đất giao thông; hệ thống thoát nước… và khu tái định canh diện tích 306 ha gồm đất trồng cây hằng năm, đất trồng lúa. Quy mô của khu tái định cư số 1 sẽ bố trí được 300 hộ dân sinh sống. Hiện nay, Ban A đang phối hợp với chính quyền các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông và Krông Pắc thực hiện chi trả tiền đền bù, hỗ trợ GPMB và vận động người dân sớm di dời về khu tái định cư này để ổn định cuộc sống, sản xuất.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.