Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò Hội Nông dân trong hội nhập kinh tế

05:48, 10/12/2020

Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam (Kết luận 61), những năm qua, các cấp hội nông dân huyện Krông Pắc đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo "sân chơi" cho nông dân học tập, thi đua sản xuất.

Nhiều hỗ trợ thiết thực

Huyện Krông Pắc có 283 chi hội, 16 cơ sở hội, với 18.123 hội viên. Giai đoạn 2010 - 2020, Hội Nông dân huyện xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân được 3,64 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội triển khai 18 dự án phát triển kinh tế cho 161 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền 5,34 tỷ đồng. Trong đó, có 6 dự án đáo hạn, hoàn trả vốn để triển khai thực hiện dự án mới. Hiện tại, Hội Nông dân huyện đang quản lý 12 dự án, với 98 lượt vay vốn.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện ủy thác quản lý 131 tổ tiết kiệm cho 4.196 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, tổng dư nợ 123 tỷ đồng. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ cho hội viên mua 2.138 tấn phân bón trả chậm (trị giá 17 tỷ đồng); hơn 750.000 cây giống cà phê chất lượng cao theo chương trình tái canh; tổ chức 231 buổi hội thảo đầu bờ, đầu chuồng với 22.580 lượt người tham dự; 1.584 lớp tập huấn cho 78.572 lượt hội viên nông dân. Trong đó có nhiều lớp tập huấn bám sát diễn biến sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương. Đơn cử như, năm 2017 khi cây sầu riêng tại các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc bị chết hàng loạt do nấm bệnh tấn công, Hội đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn kỹ thuật xử lý sầu riêng chết bất thường” cho hơn 200 hội viên nông dân. Năm 2018, Hội mở lớp “Sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng”…

Mô hình nuôi cá lồng bè tại xã Krông Búk (huyện Krông Pắc).
Mô hình nuôi cá lồng bè tại xã Krông Búk (huyện Krông Pắc).

Nhiều tổ chức hội nông dân cấp xã của huyện đã phát huy tốt vai trò kết nối, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn tại địa phương. Tiêu biểu là Hội Nông dân xã Tân Tiến, hiện có 11 chi hội, 1.108 hội viên đã nỗ lực kiện toàn tổ chức, đưa những cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng giữ chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Nhờ đó, hằng năm Hội Nông dân xã luôn hoàn thành chỉ tiêu kết nạp hội viên, 80% hội viên đạt chất lượng tốt. Đặc biệt thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 38 triệu đồng/năm vào năm 2019.

Tương tự, Hội Nông dân xã Krông Búk đã và đang nỗ lực kết nối nông dân xây dựng các mô hình sản xuất có quy mô, phát huy lợi thế của địa phương. Đơn cử là việc hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác nuôi gà thương phẩm để giúp 9 thành viên có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm nguồn giống tốt, kết nối thương lái xuất bán gà với giá cao; hỗ trợ 7/9 thành viên vay 50 triệu đồng/hộ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển kinh tế. Hay Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè hiện có 24 thành viên, với 12 cơ sở đăng ký kinh doanh, tổng diện tích nuôi là 10.000 m2 mặt nước…

Chủ động kết nối để hội nhập

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các cấp hội nông dân huyện Krông Pắc vẫn còn những hạn chế, như: sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 61, huyện mới xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân, điều đó đồng nghĩa địa phương đã triển khai chậm 5 năm so với kế hoạch và có ít nông dân được tiếp cận nguồn vốn. Số diện tích cây trồng, vật nuôi đạt các chứng nhận chất lượng VietGAP, GlobalGAP chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng hoạt động của hội nông dân các cấp chưa đồng đều...

Ông Dương Ngọc Sửu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An cho rằng, một số nông dân ở địa phương chưa coi trọng việc học nghề, nâng cao tay nghề trong sản xuất, vẫn còn tâm lý ngại học, ngại thay đổi… Do đó, thời gian tới các cấp hội nông dân cần chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời hỗ trợ nông dân trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế hàng hóa, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Các đề tài, nghiên cứu cần có sự khảo sát, đánh giá đúng tâm tư, nguyện vọng của nông dân, biến đổi cơ cấu nông dân tại mỗi địa phương để có chính sách hỗ trợ sát nhu cầu thực tế…

Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới ở xã Hòa An (huyện Krông Pắc).
Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới ở xã Hòa An (huyện Krông Pắc).

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh cho biết, địa phương có những thuận lợi nhất định trong phát triển nông nghiệp hàng hóa từ vị trí địa lý đến vùng nguyên liệu rộng, chất lượng nguyên liệu tốt, trình độ sản xuất của nông dân cao… Do đó, muốn phát huy tiềm năng sẵn có này trong hội nhập, tự thân người nông dân và tổ chức hội nông dân các cấp phải chủ động, đổi mới cơ chế hoạt động và xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn để nhận được sự hỗ trợ nhất định của chính quyền các cấp. Về phía Huyện ủy sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo điều kiện để hội nông dân các cấp có cơ hội kết nối, phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và hội nhập quốc tế.

Giai đoạn 2010 - 2020 các cấp hội nông dân Krông Pắc đóng góp hơn 48,5 tỷ đồng, 54.450 ngày công, làm mới 334 km đường, sửa chữa 157 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 38,7 km kênh mương, làm mới và sửa chữa 97 chiếc cầu, xây dựng 36 mô hình bảo vệ môi trường...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.