Multimedia Đọc Báo in

Quỹ quốc gia giải quyết việc làm: "Đòn bẩy" hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

08:54, 17/12/2020

Thời gian qua, hoạt động cho vay của Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho nhiều người lao động – là “đòn bẩy” giúp người dân phát triển kinh tế. Đồng thời nguồn vốn được bảo toàn, chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng Quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) không ngừng được mở rộng.

Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động

Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay gọi là quỹ Quốc gia về việc làm) được thành lập năm 1992 nhằm cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động cho vay từ Quỹ này được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61/2015/NĐ-CP, ngày 9-7-2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, đến thời điểm hiện tại, tổng doanh số cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh đạt 117,7 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 30-11-2020 đạt 291,9 tỷ đồng với 9.505 hộ đang dư nợ và 3.386 lượt khách hàng vay vốn. Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức chính trị - xã hội cho vay ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng được mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn để đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người thụ hưởng. Qua đó đã hỗ trợ nhiều lao động có việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt nhiều đối tượng lao động yếu thế (người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn) có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Mô hình vườn ươm cây giống của hộ bà Nguyễn Thị Thủy tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).
Mô hình vườn ươm cây giống của hộ bà Nguyễn Thị Thủy tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

 Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, trung bình mỗi năm, nguồn vốn trên đã giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, tiếp sức cho hàng nghìn mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương trong tỉnh. Có thể kể đến mô hình nuôi heo rừng và xây dựng mới chuồng trại, mua thức ăn nuôi gà siêu thịt của gia đình chị Ngô Thị Hiền (khối 15, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm; hay mô hình vườn ươm cây giống của hộ bà Nguyễn Thị Thủy (thôn 11, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm…

Đáng chú ý, thông qua hoạt động cho vay, các tổ chức hội, đoàn thể có điều kiện quan tâm sát sao đến hội viên, nắm bắt tới từng cơ sở, gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả cho vay vốn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng còn những tồn tại, đó là nguồn vốn cho vay của Quỹ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân; mức vay và thời hạn trả nợ phân kỳ (6 tháng/lần) chưa phù hợp với quy mô và chu kỳ sản xuất, kinh doanh (khách hàng vay đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu do chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch trong các hoạt động sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm…).

Mặc dù ngày 23-9-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, theo đó đã nâng mức vay tối đa của người lao động lên 100 triệu đồng/lao động, nhưng thực tế nguồn vốn chưa đáp ứng được. Bà Trần Thị Len (tổ dân phố 11, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) – một trong những hộ vay vốn giải quyết việc làm bày tỏ: gia đình bà làm nghề mộc nên nhu cầu vốn rất lớn. Từ năm 2019, bà được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ giải quyết, mở rộng việc làm với mức vay 45 triệu đồng. So với thực tế công việc kinh doanh của gia đình thì số tiền được vay là rất thấp nên bà mong muốn Ngân hàng CSXH quan tâm, tạo điều kiện để những trường hợp như bà được vay vốn mức cao hơn để mở rộng sản xuất.

Xưởng sản xuất gỗ của hộ bà Trần Thị Len (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột).
Xưởng sản xuất gỗ của hộ bà Trần Thị Len (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột).

Từ thực tế đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương cấp bổ sung nguồn vốn cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động; tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay hỗ trợ tạo việc làm qua Ngân hàng CSXH; tích cực thu hồi nợ đến hạn để thực hiện cho vay quay vòng; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cho vay, giải ngân nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận nguồn vốn, mua sắm trang thiết bị, tư liệu sản xuất, đầu tư phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, tạo mới nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay, nhằm phát huy hiệu quả và bảo toàn nguồn vốn; chú trọng tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách, các mô hình làm ăn hiệu quả, các chủ trương, chính sách mới về quyền và nghĩa vụ của hộ vay vốn...

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.