Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất sạch, an toàn: Hướng phát triển bền vững cho nhãn hiệu "Gạo Krông Ana"

08:45, 23/12/2020

Tháng 10-2019, gạo Krông Ana được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. 

Hơn một năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Krông Ana, các phòng, ban liên quan, doanh nghiệp, người dân địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp mang tính bền vững để nâng tầm nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”.

Là đơn vị đầu tiên của huyện đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, đến nay Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) đã xuất ra thị trường hơn 12 tấn gạo ST24. Đặc điểm của gạo ST24 là hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa, có hương thơm mùi lá dứa, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng. Về đặc tính, ST24 là giống lúa cứng, cao cây, thân cứng nên khó đổ ngã. Cùng với lợi thế đất có độ phì nhiêu cao như ở các cánh đồng trên địa bàn huyện và nếu thời tiết thuận lợi, năng suất lúa ST24 đạt 6 tấn/ha đối với sản xuất theo quy trình hữu cơ, 7 - 8 tấn/ha đối với sản xuất đại trà.

Nông dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) thu hoạch lúa.
Nông dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) thu hoạch lúa.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết, vụ đông xuân 2020 - 2021, đơn vị tiếp tục sản xuất 3,5 ha lúa ST24 trên cánh đồng Trạm bơm 3 thuộc thôn 6 (xã Bình Hòa) theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Theo đó, toàn bộ diện tích này đều được sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học nhập khẩu từ Nhật Bản. Ngoài ra, vụ đông - xuân tới đây HTX tiếp tục liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị với 9 hộ dân. Với hình thức này, HTX cung cấp giống, phân, thuốc đúng liều lượng, có nguồn gốc rõ ràng. HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho người dân, định kỳ xử lý đất, nước và sâu bệnh bảo đảm cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt, quá trình sản xuất đều có sự giám sát chặt chẽ của HTX. Sản phẩm sau khi thu hoạch đạt chất lượng sẽ được HTX thu mua với mức cao hơn giá thị trường 15%.

 
"Để mở rộng thị trường cho sản phẩm mang nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, địa phương khuyến khích doanh nghiệp, HTX xây dựng các trang web điện tử để tăng tính kết nối, giới thiệu sản phẩm đến với đối tác. Đồng thời tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ và liên kết theo chuỗi".
 
 Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Ana Trần Phước Ku Ba

Cũng theo ông Tưởng, điều kiện tự nhiên tại huyện Krông Ana rất tốt cho sản xuất các giống lúa chất lượng. Hằng năm, địa phương thường xảy ra từ 1 đến 2 trận lũ nên độ phù sa rất cao, cộng thêm nguồn nước tưới từ sông Krông Ana và sông Krông Nô khá sạch (không có các nhà máy sản xuất dọc hai bờ sông nên hạn chế các độc tố trong nguồn nước). Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thay đổi được thói quen trong sản xuất của người dân. Bởi thực tế, vẫn tồn tại tình trạng  nông dân trồng lúa không áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn dẫn đến dù sản lượng lúa hằng năm đạt cao nhưng chất lượng không bảo đảm nên vẫn bị thương lái ép giá.

Ngoài việc chú trọng các quy trình sản xuất lúa, năm 2020 HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh đã đầu tư nhà máy xay xát với kinh phí gần 1 tỷ đồng, công suất 16 tấn/ngày. Hơn nửa năm nay khi sử dụng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, sản phẩm gạo ST24 của HTX đã tiếp cận được các thị trường trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, do còn mới mẻ nên “Gạo Krông Ana” vẫn chưa tìm được các mối hàng lớn là các doanh nghiệp đầu mối thu mua, phân phối gạo mà chủ yếu là khách hàng bán lẻ hoặc người tiêu dùng. Đặc biêt, mặc dù trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trung tâm thương mại lớn nhưng “Gạo Krông Ana” vẫn chưa có “chỗ đứng” ở các trung tâm này.

Sản phẩm mang nhãn hiệu
Sản phẩm mang nhãn hiệu "Gạo Krông Ana" được trưng bày tại Phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở huyện Krông Ana.

Ông Trần Phước Ku Ba, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện khẳng định, gạo hữu cơ, gạo sạch là những sản phẩm được canh tác, sản xuất, chế biến, bảo quản theo một quy trình chặt chẽ. Chính vì thế, sử dụng các sản phẩm nông sản hữu cơ đang là xu thế được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, do những lợi ích mà sản phẩm mang lại. Đồng hành với HTX, trong năm nay UBND huyện đã hỗ trợ 45 triệu đồng in bao bì, nhãn mác. Ngoài ra, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, địa phương hỗ trợ HTX gửi mẫu gạo đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP. Hồ Chí Minh) để kiểm định chất lượng, đạt tiêu chuẩn thì HTX tiến hành chế biến, đóng gói và gắn nhãn mác.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.