Trợ lực cho người nghèo vùng biên
Nhờ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo huyện biên giới Buôn Đôn đã có thêm nguồn lực đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2010, anh Nguyễn Văn Ninh (thôn 7, xã Ea Wer) được vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện. Số vốn này anh dùng để mua phân bón cải tạo, chăm sóc vườn cà phê và chăn nuôi khá hiệu quả. Đến năm 2013, anh đã hoàn trả đủ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng theo đúng thời gian quy định. “Số tiền 20 triệu đồng vào năm 2010 có giá trị, ý nghĩa rất lớn, giúp một hộ nghèo vừa mới từ miền Bắc vào lập nghiệp như tôi tháo gỡ những khó khăn về vốn, thực hiện các dự định phát triển kinh tế của gia đình”, anh Ninh chia sẻ. Từ hiệu quả nguồn vốn vay nên năm 2020 anh Ninh được vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất, sửa chữa nhà cửa. Trong quá trình vay, làm hồ sơ, thủ tục, anh được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi, nhiệt tình hỗ trợ sớm giải ngân nguồn vốn.
Cũng là một hộ nghèo, năm 2017 chị Đinh Thị Mơ (thôn 9, xã Ea Wer) vay ngân hàng 50 triệu đồng mua 3 con bò sinh sản. Chỉ sau 3 năm, đàn bò của chị đã tăng lên 7 con, đem lại nguồn thu nhập ổn định, nhờ đó chị đã thoát nghèo. Chị Mơ chia sẻ, nguồn vốn vay ngân hàng là "chiếc cần câu" hết sức thiết thực với những người nghèo. Hiện chị đang tiến hành các thủ tục, mạnh dạn vay tiếp, phát triển quy mô đàn gia súc.
Người dân thực hiện các thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn tại điểm giao dịch xã Ea Wer. |
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Buôn Đôn Võ Khắc Huy, triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, ngân hàng đã ký kết quy chế phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể của huyện là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Tất cả hội viên của các tổ chức trên có nhu cầu vay vốn đều có xác nhận của hội, đoàn thể mình đang sinh hoạt về nhu cầu vay, mục đích sử dụng vốn vay. Quy trình vay vốn thông qua ủy thác của các hội, đoàn thể được tiến hành chặt chẽ, từ thẩm định đến lúc giải ngân cũng như giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn vay. Về phía ngân hàng luôn hướng dẫn tận tình, nhanh chóng giải ngân,
đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn chính đáng, giải quyết “bài toán” thiếu vốn của các hộ dân, qua đó góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.
Kết quả từ đầu năm đến nay, dư nợ được ủy thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể lên đến trên 311 tỷ đồng, tăng 14,7 tỷ đồng so với năm 2019, với 9.526 hộ được vay. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý nhiều nhất với hơn 110 tỷ đồng, Hội Nông dân quản lý 91,2 tỷ đồng...
Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay, anh Nguyễn Văn Ninh có điều kiện làm mô hình trồng khổ qua vừa thu hoạch xong. |
Ngoài việc có nguồn vốn cho vay tương đối lớn thì huyện Buôn Đôn cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ thu hồi nợ rất hiệu quả. “Hiện tỷ lệ thu hồi nợ của huyện đạt trên 95%. Con số ý nghĩa này phản ánh thực tế đáng mừng là các đối tượng được vay vốn đã sử dụng, phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay nên mới có khả năng trả nợ”, Giám đốc NHCSXH huyện Buôn Đôn Võ Khắc Huy đánh giá. Cụ thể trong tổng số 214 tổ tiết kiệm và vay vốn của các hội, đoàn thể huyện quản lý, thì có đến 201 tổ hoạt động tốt; còn lại là hoạt động khá, không có tổ hoạt động yếu, kém. Minh chứng cụ thể nhất của việc các hội viên phát huy hiệu quả nguồn vốn vay qua con số tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm sâu, nếu năm 2015 tỷ lệ này là 41,78% thì đến năm 2020 giảm còn 26,78%. Đây cũng là một thành công nổi bật trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện biên giới Buôn Đôn, mà trong đó có sự đóng góp đắc lực của NHCSXH huyện.
Ngoài cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên, năm 2020, NHCSXH huyện Buôn Đôn còn triển khai chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ/TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ cho 195 hộ với tổng số tiền 4 tỷ 875 triệu đồng. |
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc