Multimedia Đọc Báo in

Trồng keo lai - hướng đi mới của đồng bào Mông ở Cư Drăm

06:49, 09/12/2020

Xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) có 6 thôn đồng bào Mông gồm: buôn Tơng Rang B, các thôn: Ea Luêh, Yang Hăn, Ea Hăn, Nao Huh và Cư Dhắt với 880 hộ.

Những năm gần đây, thấy trồng keo lai trên vùng đất cao, đất đồi dốc, đất sỏi, đất bạc màu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên hàng trăm hộ đồng bào Mông xã Cư Drăm đã tận dụng tối đa diện tích đất hiện có để đầu tư trồng cây keo lai.

Năm 2015, xã Cư Drăm mới chỉ có hơn 20 ha cây keo lai, chủ yếu là của Công ty MTV Lâm nghiệp Krông Bông. Từ năm 2016 đến nay, diện tích cây keo lai của xã Cư Drăm liên tục tăng. Chỉ tính riêng các hộ đồng bào Mông trồng đã lên đến gần 600 ha. Phần lớn đất trồng keo lai trước đây là đất rừng nghèo, đất đồi dốc, đất sỏi được người dân khai hoang để trồng ngô lai, trồng sắn nhiều năm nhưng không cải tạo; đến nay diện tích đất này đã bạc màu, trồng ngô sắn không còn năng suất.

Người dân thôn Cư Dhắt chăm sóc vườn cây keo lai hơn 2 năm tuổi.
Người dân thôn Cư Dhắt chăm sóc vườn cây keo lai hơn 2 năm tuổi.

Người dân thôn Nao Huh đi đầu trong phong trào trồng cây keo lai ở xã Cư Drăm. Theo thống kê, cả thôn có hơn 70 ha keo lai, trong đó có gần 30 ha keo lai trồng năm thứ 5 trở lên đã cho khai thác. Tuy nhiên, diện tích keo lai thực tế của thôn còn cao hơn nhiều. Cây keo lai đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở thôn Nao Huh. Như gia đình anh Sùng A Dó có 5 ha keo lai. Năm 2018, anh bán cho tư thương tự khai thác hơn 2 ha cây keo lai năm thứ 5 với giá 160 triệu đồng.

Thôn Yang Hăn có 69 hộ đồng bào Mông. Phần lớn diện tích đất canh tác của người dân trong thôn là đất đồi dốc, thiếu nước nên bà con trồng ngô lai và trồng sắn. Nay đất bạc màu, kém hiệu quả nên trong thôn có 38 hộ chuyển đổi một phần diện tích để trồng cây keo lai với diện tích khoảng 52 ha. Trong số đó, gia đình anh Giàng Seo Sèo có diện tích cây keo lai lớn nhất thôn với 15 ha. Năm 2018, gia đình anh Sèo bán cho tư thương tự khai thác 2 ha keo lai thu về 80 triệu đồng; mới đây anh bán 5 ha, sau khi trừ hết chi phí thu về 270 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Pao, Bí thư Chi bộ thôn Yang Hăn cho biết: “Diện tích đất canh tác của thôn Yang Hăn tương đối hẹp. Trước đây, bà con trồng các loại cây như cà phê, ngô lai, lúa nước. Những năm trở lại đây, thấy trồng cây keo lai trên đất dốc, đất bạc màu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích ngô lai và sắn kém hiệu quả sang trồng cây keo lai".

Đồng bào Hmông ở Cư Drăm tận dụng tối đa diện tích đất cằn cỗi, đá sỏi để trồng cây keo lai.
Đồng bào Hmông ở Cư Drăm tận dụng tối đa diện tích đất cằn cỗi, đá sỏi để trồng cây keo lai.

Nhiều hộ đồng bào Mông ở thôn Ea Hăn cũng đầu tư trồng cây keo lai. Hiện nay thôn có hơn 100 hộ trồng 95 ha, trong đó có hơn 20 ha keo lai cho khai thác lần đầu. Người dân trong thôn đã tận dụng hết diện tích đất có độ dốc cao, hoặc chuyển đổi diện tích trồng các loại cây khác không hiệu quả sang trồng keo lai. Từ năm 2012, ông Ma Seo Páo đã mạnh dạn trồng 5 ha cây keo lai trên vùng đất dốc. Sau khi khai thác xong ông tiếp tục đầu tư trồng lại và trồng mới thêm 2,6 ha keo lai. Cuối năm 2019, ông khai thác 0,6 ha keo lai ở gần nhà được hơn 80 tấn, với giá bán 940 đồng/kg, gia đình ông thu về gần 80 triệu đồng.

Ở thôn Cư Dhắt mấy năm gần đây việc trồng cây keo lai cũng trở thành phong trào. Thôn có 214 hộ thì có đến hơn 180 hộ trồng cây keo lai với diện tích khoảng 250 ha. Giờ trong thôn đã phủ kín màu xanh của cây keo lai. Hiện đã có nhiều hộ khai thác lần đầu, có một số hộ đã khai thác lần thứ hai. Hàng chục hộ trong thôn có diện tích trên 5 ha, nhiều nhất phải kể đến hộ anh Ma Văn Hà với 10 ha. Năm 2019, gia đình anh Hà tự thuê nhân công khai thác 1,4 ha bán cho tư thương, thu về 140 triệu đồng; sau khi trừ chi phí thuê mướn, còn lãi hơn 100 triệu đồng. Cuối năm nay, gia đình anh Hà tiếp tục khai thác khoảng 5 ha.

Cây keo lai dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bón phân, phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc Hmông ở đây. Ở thời điểm này có thể xem keo lai là loại cây giúp hàng trăm hộ đồng bào Mông ở xã Cư Drăm thoát nghèo. Tuy nhiên, việc trồng keo lai ồ ạt theo phong trào, tự phát của người dân hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy như: người dân lén lút phá rừng tự nhiên để trồng keo; chuyển đổi cây trồng ồ ạt, thiếu kiểm soát; nguy cơ cháy rừng, phá đường, đặc biệt là đầu ra và giá cả. Điều này đòi hỏi địa phương cần quan tâm quản lý, kiểm soát diện tích keo lai theo quy hoạch; đồng thời chú trọng tập huấn về phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân… nhằm phát triển hiệu quả kinh tế đồi rừng, giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.