Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu lao động: Kênh "tín dụng" hiệu quả cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số

07:17, 13/12/2020

Cho vay vốn đi lao động ở nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động - XKLĐ) đã và đang là kênh "tín dụng" mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân, trong đó có hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh ta.

Cơ hội thoát nghèo

Là hộ cận nghèo, năm 2020, bà H’Cem Kpơr (buôn Choah, xã Ea Na, huyện Krông Ana) được vay 89 triệu đồng cho con gái là H’Roi Kpơr đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Bà cho biết, trước đây H’Roi đi làm công nhân tận TP. Hồ Chí Minh, do không có tay nghề, chỉ được nhận làm ở những vị trí phụ việc nên thu nhập thấp, không ổn định, tháng nào dư giả gửi về được 1- 2 triệu đồng, khi khó khăn thì vài tháng mới gửi về được chút ít. Xem ti vi, thấy nhiều gia đình có con đi làm việc ở nước ngoài có của ăn của để nên bà rất muốn con gái đi XKLĐ. Thế nhưng, tài sản duy nhất của gia đình bà là căn nhà đang ở có giá trị thấp không đủ điều kiện để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Ana (bên trái) trao đổi với hộ vay vốn.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Ana (bên trái) trao đổi với hộ vay vốn.

Năm 2020, bà H’Cem biết đến nguồn vốn vay XKLĐ của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nên đã khuyên con gái về quê làm hồ sơ vay vốn. Được cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana hướng dẫn, các giấy tờ, hồ sơ liên quan đều được giải quyết nhanh chóng. Đầu tháng 2 năm nay, con gái bà đã sang Đài Loan, hiện đã quen với công việc và gửi về nhà được 50 triệu đồng. Bà đã trích 20 triệu đồng để trả tiền gốc vay Ngân hàng CSXH, số tiền còn lại dành dụm để năm sau sửa sang lại nhà cửa.

 

"Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân biết về chính sách hỗ trợ cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn đi XKLĐ. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mở rộng các đối tượng được vay vốn đi XKLĐ để nhiều người lao động được tiếp cận nguồn vốn này".

 
Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Tương tự, chị H’Vel Kpơr (xã Ea Na huyện Krông Ana), sau nhiều năm tha phương làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh, thu nhập bấp bênh nên năm ngoái đã quyết định nghỉ việc về nhà, làm hồ sơ vay vốn ưu đãi đi XKLĐ từ Ngân hàng CSXH huyện. Cuối tháng 1-2020, chị hoàn tất thủ tục, đến tháng 2 sang Đài Loan làm việc. Trao đổi qua điện thoại với chị H'Vel được biết, chị nhận chăm sóc người già nên việc cũng không áp lực, chỉ cần bản thân chịu khó, chăm chỉ thì hằng tháng đều có thu nhập ổn định. Chị rất hài lòng về công việc hiện tại, với nguồn thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng (sau khi đã trừ chi phí ăn, ở) nên tháng nào cũng dành được một phần gửi về cho chồng con trang trải cuộc sống. Nhờ số tiền có được từ đi XKLĐ, chỉ chưa đầy một năm gia đình chị đã trả được khoản nợ 40 triệu đồng cho Ngân hàng CSXH huyện, ngoài ra còn mua được một chiếc xe máy mới trị giá hơn 40 triệu đồng và sắm sửa một số vật dụng trong nhà như ti vi, bàn ghế. Với thời hạn 3 năm lao động theo hợp đồng, chị H'Vel dự định khi quay về nước sẽ tích lũy được một số vốn xây căn nhà mới khang trang.

Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến cuối tháng 11-2020, dư nợ xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 6 tỷ đồng, với 105 khách hàng (trong đó có 13 trường hợp vay ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc) - đây là con số rất hạn chế so với các nguồn vốn vay ưu đãi khác. Đặc biệt năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 16 trường hợp vay vốn đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, với doanh số cho vay trên 1,3 tỷ đồng. Hầu hết các địa phương trong tỉnh, tổng dư nợ cho vay XKLĐ đạt rất thấp, đơn cử như thị xã Buôn Hồ tính đến cuối tháng 11-2020 chỉ được 100 triệu đồng, huyện Krông Năng 658 triệu đồng, huyện Krông Ana tổng dư nợ 376 triệu đồng…

Người dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) làm thủ tục vay vốn.
Người dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) làm thủ tục vay vốn.

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm thì người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi lại làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đã ký kết. Đối tượng thụ hưởng chính sách này là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lao động là thân nhân của người có công với cách mạng; lao động là người DTTS, người lao động bị thu hồi đất và người lao động thuộc huyện nghèo.

Hiện nay, nguồn vốn vay XKLĐ luôn đáp ứng cho các đối tượng vay. Tuy nhiên, trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau các đối tượng nêu trên tham gia xuất khẩu lao động còn ít. Một trong những nguyên nhân chính, trong những năm qua, số lao động trên địa bàn tỉnh chủ yếu đi làm việc ở thị trường Đài Loan, Malaysia, mức thu nhập tại những thị trường này hiện còn thấp nên người dân không mặn mà. Trong khi đó, đối với các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc mặc dù thu nhập cao, song lại đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, tay nghề cao nên người lao động không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng…

Thêm vào đó, trong năm 2020, toàn thế giới bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, nên hoạt động XKLĐ bị tạm dừng lại trong một khoảng thời gian dài, người lao động không có nhu cầu vay vốn, do đó doanh số cho vay đạt thấp.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.