Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm: Cần thích ứng và nắm lấy cơ hội
Tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến doanh nghiệp (DN) ở lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Để lấy lại đà tăng trưởng, các DN thích ứng bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Dồn sức nâng cao chất lượng
Những tháng cuối năm 2020 là thời điểm các DN chế biến tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đề ra, bù vào những tháng trước đó doanh thu bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hai tháng trở lại đây, hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng (huyện Cư M’gar) nhộn nhịp trở lại. Chị Nguyễn Thị Thơ, Trưởng Phòng Kinh doanh của công ty cho hay, công ty luôn tìm cách mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời điểm này, bình quân mỗi tháng, công ty cung ứng 7 tạ cà phê hạt rang, cà phê bột ra thị trường, tăng gần 30% so với trước đó. Để đáp ứng các đơn hàng cho đối tác ở hơn 20 tỉnh thành trong cả nước, đơn vị cần hơn 10 nhân công mỗi ngày. Chị Thơ chia sẻ: “Sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu Thơ Dũng là sản phẩm OCOP 3 sao. Nguyên liệu chế biến là hạt cà phê được trồng tại địa phương, bảo đảm nguyên chất. Khâu chế biến tuân thủ đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Khách tìm hiểu sản phẩm cốm nghệ của Công ty TNHH Huvahi tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2020. |
Sự cạnh tranh với các sản phẩm thực phẩm cùng loại cũng khiến DN phải thay đổi chiến lược để thích ứng và kéo người tiêu dùng về phía mình. Tiêu biểu có thể kể đến sản phẩm cốm nghệ Huvahi của Công ty TNHH Huvahi (TP. Buôn Ma Thuột) được làm từ tinh bột nghệ, mật ong và sản xuất bằng công nghệ tạo hạt cốm đang tạo sự hấp dẫn với người dùng. Sản phẩm cam kết không có bất kỳ chất bảo quản nào nên đến nay đã có mặt ở 7 tỉnh thành trong cả nước với lượng tiêu thụ ổn định.
Với vai trò của mình, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc… để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
|
Theo anh Hoàng Văn Huynh, Giám đốc Công ty Huvahi, muốn có nhiều thị trường tiêu thụ và khách hàng đối tác, đòi hỏi phải có sản phẩm tốt, an toàn với mức giá cạnh tranh. Quan điểm “chất lượng là trên hết” luôn được DN lấy làm nguyên tắc hoạt động và dồn sức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN cũng chủ động kết nối trực tuyến với các đối tác, tìm kiếm khách hàng mới thông qua mạng xã hội để gia tăng sự tương tác, tìm kiếm cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối trên toàn quốc. Anh Huynh tin tưởng, sản phẩm của mình sẽ có thêm thị trường và tạo dấu ấn với người tiêu dùng.
Nắm lấy cơ hội
Dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các hoạt động xúc tiến thương mại bị hoãn lại, cơ hội kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ của DN bị hạn chế. DN chế biến thực phẩm cũng nằm trong nhóm ngành nghề gặp khó khăn, cần hỗ trợ.
"Đồng hành cùng DN, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) cũng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương để giúp DN đa dạng hóa thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm và giảm thiểu tác động do dịch bệnh", ông Nguyễn Tú, Giám đốc Trung tâm cho biết.
Sản phẩm của doanh nghiệp Đắk Lắk giới thiệu tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam được tổ chức ở Quảng Bình năm 2020. |
Từ góc độ DN, nhiều DN đã tận dụng được sự hỗ trợ của ngành chức năng để mở rộng thị trường. Công ty TNHH Thương mại Cà phê Minh Dũng đã kết nối được với 4 bạn hàng sau Hội chợ - Triển lãm khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Đắk Lắk năm 2020 vừa được Sở Công thương tổ chức vào cuối tháng 12 vừa qua. Còn Công ty TNHH Huvahi cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia các hội nghị, hội chợ như: Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2020 được tổ chức vào tháng 9, Hội nghị kết nối giao thương Đắk Lắk - Sóc Trăng diễn ra vào tháng 7-2020... để tìm cơ hội thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Anh Hoàng Văn Huynh cho hay, từ việc tham gia các kết nối giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa do ngành công thương tổ chức, sản phẩm cốm nghệ của công ty đã kết nối được với đối tác, có hệ thống bán lẻ, cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay Việt Nam đã và đang tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA, CPTPP) mở ra nhiều cơ hội và lợi thế về thị trường, thuế cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển. Do đó, DN cần nắm lấy cơ hội để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể như: chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, thay đổi phương thức kinh doanh, chú trọng sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc