Gian nan con đường thoát nghèo ở Cư Kbang
Mặc dù đã nỗ lực trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) vẫn ở mức cao với trên 50% (1.274 hộ), gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang cho biết, xã có 2.413 hộ, 11.429 nhân khẩu, với 14 dân tộc cùng sinh sống (dân tộc thiểu số chiếm 97%). Trong đó, dân di cư tự do chiếm hơn 50% dân số của xã (khoảng 6.000 người), sinh sống chủ yếu ở các thôn 14, 15, 16 và cụm 8, 9, 10.
Số dân di cư tự do liên tục tăng đã phá vỡ quy hoạch của địa phương, không chỉ dẫn đến thiếu đất sản xuất, đất ở mà đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng năm 2020, đã có 17 hộ, với 63 nhân khẩu di cư từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống trên địa bàn xã. Thế nhưng cho đến nay, xã chỉ mới đủ quỹ đất và kinh phí ổn định cho hơn 700 hộ dân (vào sinh sống trong năm 2008), số hộ còn lại hiện vẫn thiếu quỹ đất và kinh phí hỗ trợ. Việc di dân tự do tại xã chưa có cách xử lý và biện pháp cụ thể nên dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp như phá rừng, áp lực về an sinh xã hội, an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh… công tác giảm nghèo không được đảm bảo.
Xã Cư Kbang có 7.533 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó cây trồng chủ lực là lúa (4.095 ha) và điều (1.552 ha). Tuy nhiên do không có đập thủy lợi, kênh, mương… dự trữ nước; thời tiết khắc nghiệt làm thiếu nguồn nước sản xuất nên người dân chỉ có thể trồng một vụ lúa/năm. Đối với cây điều thì giá cả bấp bênh, đất đai bạc màu, năng suất giảm dần từng năm. Trong năm 2020, hạn hán và lũ lụt ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Riêng lũ lụt vừa qua đã gây ngập và làm thiệt hại 581 ha cây trồng các loại.
Khu vực được xem là khó khăn nhất trên địa bàn xã là Cụm 10. Nơi đây có 147 hộ, hơn 700 nhân khẩu, với 100% dân số đều là dân di cư tự do sinh sống. Thế nhưng đến nay mới chỉ có 98 hộ được cấp đất ở, số hộ còn lại phải ở nhờ nhà người thân. Do thiếu đất ở, đất sản xuất, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra nên đời sống người dân gặp không ít khó khăn, nhiều người phải đi làm thuê ở các xã lân cận. Từ năm 2019 đến nay, cụm đã giảm được 15 hộ nghèo, nhưng lại phát sinh thêm 10 hộ nghèo mới là dân di cư tự do ở các tỉnh phía Bắc vào sinh sống nên hiện cụm vẫn có đến 113 hộ nghèo.
Vườn nhãn lồng sai quả của gia đình ông Bùi Văn May (thôn 11, xã Cư Kbang). |
Để nâng cao đời sống cho người dân, xã cũng đã tìm hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, nhiều diện tích cây ăn trái như: mít, nhãn, xoài… đang có triển vọng phát triển tại địa phương. Tiêu biểu như gia đình ông Bùi Văn May (thôn 11) có 2 ha điều nhưng nhiều năm cho năng suất thấp nên năm 2017, gia đình ông đã chuyển đổi trồng 100 cây xoài Đài Loan và hơn 300 cây nhãn lồng Hưng Yên cho quả trái vụ. Diện tích xoài đã cho thu hoạch hai năm nay, sản lượng trung bình đạt 4 tấn/năm, với giá bán từ 8.000 – 15.000 đồng/kg. Hiện gia đình ông May đang vào vụ thu hoạch nhãn, nhờ chăm sóc tốt, cây cho trái sum suê, dự tính vụ này thu được 5 – 6 tấn quả, bán với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, giúp gia đình ông May có thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mảnh đất cằn.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, bên cạnh việc ổn định dân di cư tự do, xã đang nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, địa phương sẽ dựa vào tình hình thực tế để có kế hoạch xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), liên kết với người dân phát triển các mô hình có triển vọng như: sản phẩm gà đen của người Mông, nhãn lồng, hạt điều… từ đó tạo thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm đầu ra thuận lợi cho người dân. Đây là giải pháp giảm nghèo đang được xã hướng đến trong thời gian tới..
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc