Multimedia Đọc Báo in

HTX nông nghiệp mở rộng thị trường từ lợi thế địa phương

08:02, 28/01/2021

Điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thổ nhưỡng… đã tạo nên những đặc điểm riêng biệt của một số mặt hàng nông sản do các hợp tác xã (HTX) sản xuất. Đây chính là yếu tố thuận lợi giúp các HTX nông nghiệp tỉnh nhà tạo dấu ấn riêng trên thị trường hàng hóa.

Ở xã vùng sâu Ea Tir (huyện Ea H’leo), nhiều năm qua cây sả Java được bà con nông dân canh tác rất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ trồng tự phát, nông dân đã liên kết thành tổ hợp tác rồi thành lập HTX Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào, xây dựng vùng cung ứng nguyên liệu, liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh dầu sả. Đến năm 2020, HTX đã chủ động xây dựng thương hiệu tinh dầu sả của đơn vị mình, hướng đến chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

HTX Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ - Triển lãm khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Đắk Lắk năm 2020.
HTX Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ - Triển lãm khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Đắk Lắk năm 2020.
Năm 2020, doanh thu bình quân của các HTX trên  địa bàn tỉnh đạt 1,7 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 200 triệu đồng/năm/HTX.

Ông Hoàng Văn Chương, Phó Giám đốc HTX tự hào cho hay, dù cùng một giống sả Java nhưng canh tác ở các vùng đất khác nhau thì hàm lượng Citronellal - loại hợp chất đặc trưng trong tinh dầu sả Java - cũng sẽ khác nhau. Sau khi kiểm nghiệm, hàm lượng Citronellal trong tinh dầu sả Java trồng tại xã Ea Tir đạt đến 39,3%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân hợp chất Citronellal của tinh dầu sả trồng tại các vùng canh tác khác (chỉ từ 34 - 35%). Đây chính là lợi thế để HTX giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng, xây dựng thị trường bán lẻ, phát triển khách hàng sỉ ở trong và ngoài tỉnh.

Tương tự, giữa vùng đất đồi khô cằn ở buôn Cuôr (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Đại Phúc đã xây dựng thành công mô hình liên kết nuôi gà đen theo hướng hữu cơ.

Ông Lưu Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, ngoài áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: chủng ngừa đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi, HTX còn sử dụng ngô hạt trồng tại địa phương và đem ủ men vi sinh để làm thức ăn chính cho gà. Ngoài ra, gà được nuôi thả dưới tán cây ăn trái, được bổ sung các loại thảo dược giúp tăng sức đề kháng nên chất lượng thịt rất thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Ưu điểm này giúp giá gà thịt do HTX chăn nuôi luôn cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với các loại gà thả vườn khác, cung ứng chủ yếu cho các nhà hàng, siêu thị và chợ truyền thống. HTX cũng đã đầu tư các máy móc sơ chế, đóng gói, bảo quản đông lạnh, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và phục vụ việc xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sản phẩm của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh trong năm 2020.

HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Đại Phúc chăn nuôi gà đen theo hướng hữu cơ.
HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Đại Phúc chăn nuôi gà đen theo hướng hữu cơ.

Toàn tỉnh hiện có 578 HTX, trong đó có 308 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số thành viên khoảng 12.390 người và có hơn 10.600 lao động làm việc thường xuyên. Theo Liên minh HTX tỉnh, những năm gần đây, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn các HTX nông nghiệp nhận thức đúng đắn về mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, qua đó số lượng HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị có xu hướng tăng và trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng trưởng và phát triển bền vững. Nhiều HTX đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm riêng, tạo được dấu ấn tốt ở thị trường trong nước. Tiêu biểu có thể kể đến như: gạo ST24 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (huyện Krông Ana); các giống bơ Acado, Bazan… của HTX bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột); thịt gà đen Đại Phúc Tây Nguyên của HTX Nông nghiệp và thương mại dịch vụ Đại Phúc (huyện Cư M’gar); cà phê bột và cà phê hạt Thủy Tiên Krông Năng của HTX Sản xuất thương mại và du lịch Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng)…

Năm 2020, dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, song các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực không ngừng để phát triển và nâng tầm các sản phẩm của mình. Trong đó, lợi thế sản phẩm đặc trưng vùng miền, chất lượng tốt, an toàn là những yếu tố quan trọng giúp HTX vượt qua thử thách, gia tăng tính cạnh tranh để từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.