Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ chế biến nông sản

06:14, 10/01/2021

Với mong muốn phát huy được những tiềm năng dồi dào của vùng đất mình đang sống, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều người đã quyết định khởi nghiệp từ mày mò, nghiên cứu chế biến nông sản địa phương…

Khởi nghiệp với hạt điều rang muối

Từ bỏ công việc cơ khí sau một thời gian gắn bó, anh Đặng Hiếu (khối 3, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) quyết định khởi nghiệp với sản phẩm hạt điều rang muối.

Nhận thấy vùng nguyên liệu điều của địa phương dồi dào, được nhiều người đặt hàng, sản phẩm có đầu ra khá tốt nên anh Hiếu nảy ra ý tưởng nhập điều thô về chế biến. Anh bắt đầu tìm hiểu kinh nghiệm từ một số người bạn, học hỏi các kỹ thuật chế biến, rang sấy điều. Năm 2016 anh Hiếu mở cơ sở rang xay trên diện tích gần 100 m2 để chế biến hạt điều.

Công việc ban đầu phải làm thủ công nên khá vất vả. Anh Hiếu tự mày mò tìm hiểu và điều khiển máy móc, dần dần với kinh nghiệm nhiều năm làm thợ cơ khí, anh đã tự điều chỉnh và vận hành máy rang một cách thuần thục mà vẫn đảm bảo chất lượng hạt. Thời gian đầu, anh chỉ có những đơn hàng nhỏ lẻ. Năm 2017, trong một lần về quê anh đã kết nối được một khách hàng ở khu vực phía Bắc với hợp đồng vài tạ hạt điều rang muối. Cũng từ đây, nhiều người biết đến cơ sở của anh Hiếu bởi chất lượng hạt điều rất ngon. Khi việc sản xuất dần hoạt động ổn định hơn, anh Hiếu quyết định đầu tư mua hai chiếc máy rang hạt điều để mở rộng sản xuất, cũng như phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như: hạt điều rang muối, điều tẩm gia vị, điều nhân trắng...

Anh Hiếu  và các  sản phẩm  hạt điều.   Ảnh: Đ.Hân
Anh Hiếu và các sản phẩm hạt điều. Ảnh: Đ.Hân

Anh Hiếu chia sẻ, sản phẩm ngon là hạt điều phải giòn, ngọt, thơm mà vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng của hạt điều. Anh khá khắt khe khi chọn nguồn muối, phụ gia để rang điều sao cho vừa đảm bảo chất lượng; bao bì sản phẩm cũng phải chú trọng, in rõ các thông số, tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất như nguồn gốc nguyên liệu hạt điều, nhiệt độ rang, thời gian bảo quản.

Hiện cơ sở sản xuất của anh Hiếu tạo việc làm cho 2 lao động với mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm cơ sở của anh có thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng. Dự định sắp tới của anh Hiếu là sẽ mở thêm cơ sở ở một số địa phương khác; đồng thời chủ động xây dựng được nguồn nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Độc đáo sản phẩm bột rau củ sấy lạnh

Nhận thấy thực tế là trẻ em ít ăn rau củ, người ốm đau ăn ít nên không được bổ sung chất xơ, người phải bổ sung dinh dưỡng lại lười ăn hay người dùng mỹ phẩm làm đẹp khó kiếm nguyên liệu rau củ sạch..., chị Trần Thị Thúy Kiều cùng nhóm nông dân thuộc Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ nông nghiệp xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) tự tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu chế biến các loại bột sấy lạnh từ rau củ vườn nhà nhằm phục vụ những nhu cầu đa dạng nói trên.

Với cách làm đơn giản là nguyên liệu được làm sạch, sau đó để khô ráo và cho vào máy sấy từ 10 – 24 giờ, cuối cùng là xay nghiền mịn và đóng gói, hiện nay chị Trần Thị Thúy Kiều đã cho ra đời gần 10 sản phẩm bột rau củ sấy lạnh như: rau ngót, bột chùm ngây, bí đỏ, cà rốt... Theo tính toán cứ 10 kg rau thì làm được 1 lạng bột rau; 30 kg củ thì được 1 lạng bột củ sấy lạnh. Mỗi sản phẩm tùy loại mà có giá bán khác nhau. Bên cạnh đó, chị Kiều còn cho ra đời các sản phẩm chế biến từ tiêu xanh, như: tiêu xanh ngâm giấm chua cay, tiêu chua ngọt, tiêu sấy giòn... dùng làm gia vị chế biến thực phẩm.

Chị Trần Thị Thúy Kiều chuẩn bị nguyên liệu chế biến  bột rau ngót.      Ảnh: X.Hòa
Chị Trần Thị Thúy Kiều chuẩn bị nguyên liệu chế biến bột rau ngót. Ảnh: X.Hòa

Sản phẩm bột rau củ sấy lạnh của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Ea Bar được sản xuất theo công nghệ sấy lạnh nên vẫn giữ nguyên vẹn hương vị gốc và màu sắc tự nhiên của rau, củ. Để có nguyên liệu sản xuất sạch chế biến bột rau sấy lạnh, chị Kiều và các thành viên HTX đã phá bỏ hơn 3 ha cà phê để chuyên canh các loại rau củ làm vùng nguyên liệu ổn định và để kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua nhiều kênh bán hàng, các sản phẩm bột rau củ sấy lạnh được xem là một sản phẩm mới lạ, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn thực phẩm tiện dụng, an toàn.

Chị Kiều ấp ủ dự định sẽ thiết kế lại mẫu mã bao bì chuyên nghiệp hơn, chuyển sang bao bì giấy để thân thiện với môi trường, đồng thời tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo thêm các sản phẩm mới với chất lượng cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng. Tuy nhiên, chị Kiều và các thành viên HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Ea Bar vẫn đang cần sự hỗ trợ để khởi nghiệp thành công với những sản phẩm nông nghiệp sạch từ chính địa phương của mình.

Đoàn Hân - Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.