Multimedia Đọc Báo in

Không chỉ là khởi nghiệp

08:36, 22/01/2021

Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và các sở, ngành, nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đã nỗ lực khẳng định bản thân và đứng vững trên thị trường. Từ đó có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hỗ trợ các DN khác cùng phát triển.

Hỗ trợ lẫn nhau

Muốn đứng vững trên thị trường, DN cần có sự độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ hoặc có thế mạnh riêng. Trong bối cảnh ngày càng nhiều DN “mọc lên”, để phát triển bền vững, các DN nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt là các DN khởi nghiệp đã cùng liên kết với nhau. Đầu tiên phải kể đến là các thủ tục hành chính và khâu chuẩn bị thành lập DN.

Startup Lê Thị Thư (SN 1991, thôn 1, xã Ea Pil, huyện M’Drắk), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Epis chia sẻ, khi quyết định thành lập công ty vào năm 2019, chị đã được các anh, chị là những startup đi trước hướng dẫn về thủ tục và các điều kiện cần thiết để thành lập công ty, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua những vướng mắc, cản trở có thể gặp phải. Không những thế các startup đã cùng kết nối thành một nhóm để hỗ trợ nhau trong quá trình khởi nghiệp hoặc tư vấn về hoạt động sản xuất kinh doanh khi cần thiết.

Đồng thời trong quá trình chọn nguyên liệu để sản xuất, Công ty TNHH Thương mại Epis sẽ cân nhắc và ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các startup khác. Chẳng hạn như Epis đã chọn tinh dầu Bmec của Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và tư vấn Ban Mê Central do startup Hoàng Thị Thơm sáng lập để làm hương liệu cho sản phẩm của mình.

Chuỗi cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại Ede bán sản phẩm của nhiều startup trên địa bàn tỉnh.
Chuỗi cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại Ede bán sản phẩm của nhiều startup trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ hỗ trợ nhau về hồ sơ, thủ tục hay tiêu thụ sản phẩm mà các startup trên địa bàn tỉnh còn giúp nhau trong tiếp cận khách hàng. Anh Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại Ede (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, cũng là một startup nên khi các bạn khác cần hỗ trợ, anh đều hết lòng giúp đỡ. Hiện nay chuỗi cửa hàng Ede Farm của công ty anh đang bán khoảng 350 mặt hàng nông sản sạch từ nông dân Tây Nguyên, trong đó có các sản phẩm của nhiều startup trên địa bàn tỉnh như: Mắc ca Nguyên Phương, Cốm nghệ Huvahi, Tinh dầu Bmec, đồ thủ công của Vietart…

Trong những năm qua, sự nỗ lực, đóng góp của cộng đồng doanh nhân trẻ đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ, các sở, ban, ngành của tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ doanh nhân trẻ, chia sẻ kinh nghiệm, tạo hành lang pháp lý để doanh nhân trẻ được hoạt động thuận lợi”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Phạm Đông Thanh, trước sự cạnh tranh ngày càng lớn khi nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng thì việc ủng hộ nhau cùng phát triển nên được các DN phát huy. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đến nay đã có 3 chi hội địa phương và 4 câu lạc bộ trực thuộc với hơn 85 DN hội viên. Trong quá trình hoạt động cũng như trong các buổi sinh hoạt, Hội luôn vận động DN, hội viên dùng sản phẩm của nhau, sản phẩm của DN này là đầu vào sản xuất của DN kia và ngược lại. Nếu đông đảo DN cùng chung tay, góp sức vào thực hiện điều này thì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ từng bước được nâng cao.

Hướng về cộng đồng

Dù mới chỉ là DN vừa và nhỏ, doanh thu vẫn chưa ổn định, nhưng cộng đồng DN nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện nhằm hướng về cộng đồng. Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods Nguyễn Văn Sơn khởi nghiệp từ năm 2018 với sản phẩm Trà mãng cầu, nhưng cũng đã tham gia nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương được khoảng bốn năm. Trong thời gian qua, anh Sơn và công ty của mình đã đóng góp được khoảng 30 triệu đồng để giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ mồ côi và những mảnh đời bất hạnh khác. Anh Sơn tâm sự, tuy sự đóng góp của anh là vô cùng nhỏ bé so với nhu cầu cũng như khó khăn mà những hoàn cảnh đáng thương đang cần, nhưng đó là tấm lòng cũng là sự sẻ chia thực tế nhất của bản thân mình. Đặc biệt là từ những hoàn cảnh này, anh sẽ có thêm động lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đưa công ty mình ngày càng phát triển hơn để có thể đóng góp nhiều hơn cho hoạt động thiện nguyện.

Sản phẩm son của Công ty TNHH  Thương mại Epis sử dụng tinh dầu  của Công ty TNHH MTV Đầu tư  thương mại  và tư vấn  Ban Mê Central.
Sản phẩm son của Công ty TNHH Thương mại Epis sử dụng tinh dầu của Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và tư vấn Ban Mê Central.

Cũng là một startup, khởi nghiệp với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược trên địa bàn tỉnh, chị Phạm Thị Thu Hằng (xã Ea Kly, huyện Krông Pắc), Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang cho hay, dù xem việc sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm "phủ sóng" rộng rãi là mục tiêu mà bản thân chị và tập thể công ty hướng tới, nhưng lan tỏa yêu thương, tham gia nhiều chương trình thiện nguyện vì cộng đồng nhằm giúp cuộc sống tốt đẹp hơn cũng là việc chị đã, đang và sẽ tiếp tục làm. Thời gian qua, chị Hằng và một số startup khác đã tham gia đóng góp, vận động để xây dựng các quỹ như: “Quỹ bảo trợ trẻ mồ côi – Tony Buổi Sáng”, “Vì đàn em thân yêu”… nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cả nước.

Theo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng trong năm 2020, các DN, hội viên đã đóng góp, vận động được 442 triệu đồng để thực hiện công tác xã hội, tiêu biểu là các hoạt động: hỗ trợ xây trường học, ủng hộ đồng bào vùng bị bão lụt miền Trung, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.