Multimedia Đọc Báo in

Luân canh – giải pháp hạn chế rủi ro rớt giá vụ rau Tết

08:02, 28/01/2021

Nhiều nông dân một năm chỉ tập trung sản xuất vụ rau Tết với kỳ vọng nhu cầu thị trường cao sẽ mang đến vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu chỉ trông chờ vào một vụ rau, nông dân sẽ gặp rủi ro trong trường hợp rau rớt giá. Bởi vậy, luân canh được xem là giải pháp hạn chế rủi ro rớt giá vụ rau Tết.

Hộ anh Phan Duy Hiệp (thôn 2, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đang tập trung chăm sóc vườn rau 2.000 m2 trồng su hào phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021. Tuy nhiên, khác với dự đoán, giá bán su hào tại vườn hiện tại chỉ có 3.500 đồng/kg; anh Hiệp tính toán vụ su hào bán Tết năm nay gia đình anh chỉ lãi 10 triệu đồng – mức thu nhập chẳng đáng là bao bởi mỗi năm gia đình anh chỉ sản xuất một vụ rau.

Gia đình chị Phan Thị Lệ Huyền (thôn 1, xã Hòa Xuân) cũng có vườn su hào hơn 4.000 m2 để bán Tết Tân Sửu 2021. Với giá bán su hào hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư, chị Huyền ước tính lãi thuần chỉ còn chừng 20 triệu đồng/4.000 m2, chẳng đáng là bao so với công sức đã bỏ ra với thời gian sản xuất là 2,5 tháng, năng suất vụ này rất cao (bình quân 37,5 tấn/ha). Tuy nhiên, khác với anh Hiệp, gia đình chị Huyền luân canh 3 loại rau với 3 vụ/năm; nhờ các vụ trước được giá mà tính chung vườn rau của chị cho thu nhập chừng 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất cà phê hiện nay.

Chị Huyền thu hoạch su hào.
Chị Huyền thu hoạch su hào.

Chị Huyền cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với đầu ra các loại rau quả bán Tết là phụ thuộc giá cả của tiểu thương. Sản phẩm rau được tiểu thương vào vườn vận chuyển đi bán, sau khi bán xong mới trả tiền, có khi đến 3 ngày sau mới quyết toán giá với chủ vườn. Mặt khác, rau quả là sản phẩm tươi không thể để lại được vì dễ hư hỏng nên các chủ vườn rất bị động trong khâu tiêu thụ.

Chị Huyền chia sẻ, để luân canh các loại rau có hiệu quả, nông dân phải dựa vào đặc điểm sinh học của từng loại rau thích nghi với điều kiện thời tiết (thời vụ) để rau sinh trưởng phát triển tốt, kháng sâu bệnh; tìm được giống rau tốt, có năng suất cao. Việc luân canh cũng tận dụng được nguồn dinh dưỡng hữu cơ đã đầu tư vụ trước còn lại trên vườn nên giảm bớt chi phí đầu tư dinh dưỡng cho vụ tiếp theo; thêm vào đó, luân canh cũng giúp hạn chế sâu bệnh. “Rau nào sâu đó”, khi trồng các loại rau khác nhau sâu sẽ không còn nguồn thức ăn thích hợp thì vụ tiếp theo sâu bệnh giảm đi rất nhiều, hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ được lực lượng thiên địch trên vườn, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn rau. Điều quan trọng nữa là luân canh sẽ đa dạng sản phẩm rau cho thị trường tiêu thụ, hạn chế ứ đọng một loại sản phẩm.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.