Multimedia Đọc Báo in

Tất bật sản xuất vụ Tết

08:24, 25/01/2021

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, nông dân trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất, tất bật chuẩn bị nguồn hàng hóa thực phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tập trung chăm bón rau củ, cây ăn trái

Dù vẫn trồng và chăm bón quanh năm, vụ nọ nối vụ kia song vụ rau, trái cây bán Tết vẫn được bà con nông dân chú trọng nhất bởi đây là thời điểm nhu cầu người tiêu dùng tăng cao.

Từ tháng 11 âm lịch, gia đình anh Vũ Văn Đông (tổ dân phố 3, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) đã tập trung làm đất, lên luống, chuẩn bị giống, phân bón để xuống giống vụ rau Tết. Gia đình anh có 4 sào đất trồng rau quanh năm, mỗi năm vườn rau trồng từ 3 - 4 lứa, tùy thuộc vào giá cả thị trường mà anh có thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/lứa; vụ rau Tết thì nhu cầu tiêu thụ và giá cả cao hơn nên gia đình anh Đông cũng như các hộ trồng rau khác đều rất kỳ vọng. Hiện nay, vườn rau cải thảo, súp lơ, xà lách, ngò và một số loại rau thơm khác của gia đình anh đã phát triển khá tốt, với thời tiết thuận lợi như thế này chắc chắn sẽ mang lại vụ rau Tết thắng lợi.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tốt (ở tổ dân phố 3, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) canh tác 7 sào đất trồng rau tại thôn 3 (xã Ea Khăl). Vụ rau Tết năm nay, anh Tốt xuống giống các loại rau, củ, quả như: cải thảo, bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, dưa leo, đậu ve… Đến nay, các loại rau, củ, quả đã được gieo trồng hơn một tháng và đang phát triển tốt. Gia đình anh đang tập trung chăm sóc để thu hoạch đúng dịp Tết.

Chị Lưu Thị Huệ (thôn 2, xã Ea Pil, huyện M'Drắk) trong vườn nhãn chuẩn bị thu hoạch vào dịp Tết. Ảnh; T.Nguyệt
Chị Lưu Thị Huệ (thôn 2, xã Ea Pil, huyện M'Drắk) trong vườn nhãn chuẩn bị thu hoạch vào dịp Tết. Ảnh: T.Nguyệt

Những ngày này, nhiều vườn nhãn ở xã Ea Pil (huyện M’Drắk) cũng nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch. Năm 2020, xã Ea Pil có 443 ha nhãn giống hương chi, trong đó có 210 ha trong thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân 17 tấn/ha, sản lượng 3.570 tấn. Với kỳ vọng dịp Tết là thời điểm sức tiêu thụ sản phẩm và giá bán tăng, mang lại nguồn thu nhập cao, nhiều nông dân ở xã Ea Pil đã áp dụng khoa học kỹ thuật cho nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ và đạt thời điểm thu hoạch từ 15 tháng Chạp đến hết 15 tháng Giêng (âm lịch). Điển hình như gia đình anh Nguyễn Hữu Chác (ở thôn 2) có 1.200 gốc nhãn đã cho thu hoạch. Từ tháng 5 (âm lịch), anh Chác đã canh vụ, bón bổ sung vi chất, điều chỉnh nguồn nước tưới để 600 cây nhãn chín vào dịp Tết, dự kiến cung cấp cho thị trường Tết hơn 10 tấn quả, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng (sau khi trừ chi phí), cao hơn 50 - 60 triệu đồng so với các vụ khác.

Chăn nuôi đón vụ Tết

Ngoài trồng trọt, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung chăm sóc vật nuôi để đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết.

Anh Vũ Văn Đông (tổ dân phố 3, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) chăm sóc vườn rau bán Tết.  Ảnh: Hoài Nam
Anh Vũ Văn Đông (tổ dân phố 3, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) chăm sóc vườn rau bán Tết. Ảnh: Hoài Nam

Toàn huyện Ea H’leo hiện có gần 20 trang trại chăn nuôi heo, gà, bò; trong đó trang trại nuôi heo, gà của gia đình anh Nguyễn Văn Chử (xã Ea Nam) có quy mô lớn nhất huyện. Trong 2 năm trở lại đây, mỗi lứa anh Chử nuôi 45.000 con gà và hơn 200 con heo. Đến thời điểm hiện nay, anh đã xuất bán được hơn 35.000 con gà với giá 50.000 đồng/kg đối với gà mái, 55.000 đồng/kg đối với gà trống và 66 con heo với giá 80.000 đồng/kg heo hơi. Dự kiến khoảng 10 - 15 ngày tới anh sẽ xuất bán hết gà và heo để cung cấp cho thị trường Tết; nếu tiêu thụ hết, sau khi trừ chi phí gia đình anh sẽ thu lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng.

Còn trang trại của anh Nguyễn Quang Minh (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) có quy mô 200 con bò Úc nuôi thịt và sinh sản, được xây dựng liên hoàn khép kín. Mỗi năm trang trại xuất bán gần 100 con bò thịt và 40 con bê giống, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong dịp Tết năm nay, anh Minh dự kiến xuất ra thị trường khoảng 10 - 15 con bò thịt và 50 con heo rừng nuôi thả tự nhiên.

Trang trại heo của gia đình anh Nguyễn Văn Chử (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) chờ xuất bán dịp Tết.  							               	              Ảnh: H.Nam
Trang trại heo của gia đình anh Nguyễn Văn Chử (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) chờ xuất bán dịp Tết. Ảnh: H.Nam

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà là một trong những gia trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở thôn 4, xã Krông Jing (huyện M’Drắk), mỗi năm nuôi 3 - 5 lứa gia súc, gia cầm, bình quân mỗi lứa từ 1.000 - 5.000 con. Vụ Tết này, chị Hà tăng đàn vật nuôi với 15 con heo thịt, 4.000 con vịt, hơn 1.000 con ngan... Chị Hà cho biết: Thời tiết trên địa bàn huyện không thuận lợi, mưa rét kéo dài, gia đình đã chú ý chăm sóc đàn vật nuôi, thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin, vệ sinh, ủ ấm chuồng trại để phòng bệnh và bổ sung các loại thức ăn để đàn gia súc, gia cầm đạt sản lượng và chất lượng cao.

Đồng hành với nông dân, các cơ quan chức năng và địa phương cũng tích cực hướng dẫn các biện pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp, khuyến cáo bà con trồng rải vụ, đa dạng hóa các loại sản phẩm để tránh dồn ứ, cung vượt cầu dẫn đến rớt giá và ế thừa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các khuyến cáo, quy định về sản xuất hàng nông sản, thực phẩm an toàn.

Hoài Nam - Thu Nguyệt

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.