Multimedia Đọc Báo in

Thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá

08:55, 08/01/2021

Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực hiện 83.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019, đạt 101% kế hoạch năm.

Đây là một trong 14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2020 của tỉnh. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và các giải pháp điều hành tích cực từ phía tỉnh trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Trong suốt 6 tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian khó khăn đối với hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Người dân hạn chế đi lại, vui chơi, giải trí, mua sắm; doanh nghiệp sản xuất bị trì hoãn về kế hoạch mở rộng và phát triển thị trường. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán lẻ hàng hóa giảm sút. Dẫu vậy, hoạt động thương mại - dịch vụ đã nhanh chóng được khôi phục, doanh thu bán lẻ vẫn tăng khá cao. Sức mua chủ yếu tập trung ở nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Đây chính là “đầu kéo” cho hoạt động thương mại và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục duy trì để lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2020.

Khách mua sắm tại siêu thị MM Mega market Buôn Ma Thuột.
Khách mua sắm tại siêu thị MM Mega market Buôn Ma Thuột.
Hiện toàn tỉnh có 148 chợ, 2 trung tâm thương mại và 7 siêu thị. Đặc biệt, giữa năm 2020, siêu thị E.B (TP. Buôn Ma Thuột) và 66 cửa hàng Bánh hóa xanh đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Với việc nỗ lực phát triển thị trường, đa dạng hóa các hình thức kinh doanh, tăng cường khuyến mãi kích sức mua và nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp bán lẻ đã góp phần làm sôi động thị trường. Hàng hóa đa dạng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều siêu thị lớn như: MM Mega market, Co.opmart, Vinmart, Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột hoạt động ổn định. Tình hình cung cầu hàng hóa khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh được bảo đảm, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Đặc biệt, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai và mang lại hiệu quả. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức thành công phiên chợ hàng Việt về miền núi. Thêm vào đó, hàng hóa bày bán phong phú, hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, mạng lưới kênh phân phối và hệ thống bán lẻ được mở rộng, đáp ứng nhu cầu về vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Đáng chú ý, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng chuyển dịch từ kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ đã nhanh chóng, linh hoạt dịch chuyển các dịch vụ cung ứng để thích ứng với hoàn cảnh và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng bắt đầu tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột dẫn chứng, dịch bệnh cũng đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, doanh số bán ra của siêu thị vẫn duy trì ở mức ổn định. Trong đó, các đơn hàng online tăng gấp 3 lần so với bình thường. Tuy nhiên, siêu thị cũng bảo đảm và cam kết về chất lượng hàng hóa bán ra, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống. Bởi xưa nay, người tiêu dùng chưa có thói quen đặt mua thực phẩm tươi sống qua đơn hàng trực tuyến ở siêu thị. Tùy vào từng mặt hàng, siêu thị cũng tư vấn cụ thể, hợp lý cho khách hàng.

Về phía ngành công thương đã nỗ lực thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020, tháng khuyến mãi tập trung, tổ chức các hội chợ - triển lãm, phiên chợ hàng Việt về miền núi..., tạo điểm nhấn cho các hoạt động kích cầu thương mại trong những tháng cuối năm. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, chú trọng cải tạo, nâng cấp chợ truyền thống, bảo đảm tăng cường hoạt động lưu thông hàng hóa… Khó khăn của doanh nghiệp từng bước được quan tâm, tháo gỡ.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột

Hiện đang vào mùa hàng Tết Tân Sửu nên các doanh nghiệp, nhà phân phối tập trung xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh sức mua, lấy lại đà tăng trường tốt ở lĩnh vực này. Theo thống kê của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12-2020 thực hiện 8.493,3 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước.

Theo các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này, thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp, ngành trong tỉnh để đưa hàng hóa chất lượng đến với người tiêu dùng địa phương. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, kém chất lượng vẫn còn bày bán trên thị trường gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, hàng hóa chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn diễn biến phức tạp, tinh vi. Do đó, rất cần sự kiểm tra, giám sát quyết liệt và hiệu quả hơn nữa của cơ quan chức năng để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.