Dấu ấn trong thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư vào KCN Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo việc làm cho lao động địa phương.
KCN Hòa Phú được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích gần 182 ha. Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án tại KCN, các doanh nghiệp luôn được Ban Quản lý các KCN tỉnh tạo điều kiện về cung cấp thông tin, chính sách, thủ tục đầu tư để triển khai dự án nhanh chóng và thuận lợi. Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư vào đây đạt những kết quả tích cực, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
Trong năm 2020, KCN Hòa Phú có 7 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn gần 110 tỷ đồng; 6 dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 1.550 tỷ đồng. Hiện nay, KCN Hòa Phú có 55 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng, trong đó có 36 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 1.979 lao động, với hơn 10% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp của các dự án trong KCN Hòa Phú vẫn đạt 6.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 55,2 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước khoảng 264 tỷ đồng. Trong đó, một số ngành nghề có sản lượng cao như sản xuất thép: 480.000 tấn, chế biến nông sản: 28.800 tấn, gạch không nung: 3,1 triệu viên, sản xuất bê tông: 5,7 triệu tấn…
Một doanh nghiệp sản xuất thép trong Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, KCN Hòa Phú vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Tuy đã có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư từ hơn 10 năm nay, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Cụ thể, hệ thống chiếu sáng có 11 trục đường nhưng mới đầu tư 4 trục, vỉa hè 11 trục đường mới xây dựng 1 trục, nước sạch và nước sản xuất chưa có. Bên cạnh đó, hệ thống cổng, tường rào chưa hoàn thiện, có nhiều lối mở, đường mòn ra vào KCN dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp, khó kiểm soát. KCN cũng chưa có đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại nên công tác bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tuyến giao thông độc đạo vào KCN đi chung với đường dân sinh, hiện đã xuống cấp, hư hỏng nặng nề, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân địa phương.
Một khó khăn nữa là quỹ đất tại KCN đã hết, trong khi việc mở rộng diện tích thêm 150 ha theo Công văn số 1110/TTg-CN, ngày 28-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các KCN tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 chưa thực hiện được do chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Ông Phạm Văn Tịch, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh tặng Giấy khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu năm 2020. |
Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào KCN Hòa Phú, thực hiện tốt công tác quản lý về quy hoạch xây dựng, đầu tư, môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh và phòng chống cháy nổ trong KCN. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ xúc tiến các thủ thục cần thiết để thành lập KCN Phú Xuân (tại xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar). Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tổ chức đoàn kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có hàm lượng công nghệ cao trong và ngoài nước theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo thêm động lực cho phát triển nền công nghiệp của tỉnh.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc